Đọc những trang viết trong Biếm hoạ trên báo chí Sài Gòn trước 1975, càng thấy kính phục tài năng, nghị lực cùng nhiệt tâm với nghề của các họa sĩ trong hành trình dấn thân vạch trần hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ biếm. Họ chẳng những giỏi diễn đạt khúc chiết ý tưởng bằng hình tượng sinh động, lại còn phản ứng rất nhanh nhạy với những vấn đề thời sự trong thời gian gấp rút cho kịp số báo in mà vẫn đảm bảo người xem có thể hiểu được tầng nghĩa ẩn sau lớp hình họa. Đó là giai đoạn xã hội miền Nam trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên cùng tình hình chính trị phức tạp đã tác động gần như mọi mặt đời sống xã hội, bày biện ra những hoàn cảnh trước nay chưa từng có. Tranh biếm họa thời ấy có thể là tự trào cá nhân, giễu nhại thói hư tật xấu người đời hay châm biếm chính sách và chính khách. Lắm phen người cầm cọ phải đánh cược sự tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm qua một bức tranh biếm, và tờ báo cũng phải đánh cược cả vận mạng để phát hành.
Càng thêm ngưỡng mộ nhà báo Phạm Công Luận, trong điều kiện tra cứu không dễ dàng khi nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn trước 1975 hiếm hoi và tản mát, nhưng anh vẫn nỗ lực tìm tòi, góp nhặt để cuối cùng cho ra được một công trình biên khảo lớp lang và đầy đặn như vậy. Biếm Họa Trên Báo Chí Sài Gòn Trước 1975 xứng đáng là cuốn sách dành cho những độc giả quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội của đô thị miền Nam xưa, không chỉ riêng giới cầm cọ.
“Ngay lần đầu lật xem tập bản thảo tôi đã thấy sướng củ tỉ… khi được nhìn thấy cả một bầu trời tuổi thơ tái hiện. Kìa là những tên tuổi quen thuộc Văn Hiếu, Vương Nghiêm, Đức Khánh, rồi là Tuýt, Ớt, Chóe… với những phong cách vẽ không ai lẫn được với ai… Hơn nửa thế kỷ trước, tôi và bạn cùng trang lứa đã bị mê hoặc bởi tranh vẽ của họ. Mãi hôm nay mới được xem lần nữa những bức tranh đăng báo một thời gắn với tuổi thơ chúng tôi, tưởng chừng không bao giờ thấy lại nữa. Cảm ơn Luận nhiều.
Và sẽ còn cảm ơn tác giả nhiều nữa, khi ta lật từng trang sách…”
(Họa sĩ Đức Lâm)
Thông tin tác giả:
PHẠM CÔNG LUẬN là tác giả của nhiều tác phẩm: Đường phượng bay, Những sắc màu Nhật Bản (viết chung với Asako Kato), Những lối về ấu thơ (in chung với Đặng Nguyễn Đông Vy), Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy – bút danh Phạm Lữ Ân), Trên đường rong ruổi, Bộ sách 5 cuốn Sài Gòn – Chuyện đời của phố, Sài Gòn – Phong vị báo xuân xưa, Những bức tranh phù thế, Bộ sách 2 cuốn Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (tuyển chọn), Chú bé Thất Sơn, Với ngày như lá, tháng như mây, Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn – Ký ức rực rỡ (in chung với Lâm Nguyễn Kha Liêm), Hồn đô thị, Hồi ức Phú Nhuận,…