1. Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của chủ yếu là những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị được chuyển thể từ những chuyện chữ Hán hoặc các chuyện xảy ra tại thời điểm của tác giả. Những câu chuyện dùng làm các bài học khuyên đời, những đúc kết về luật nhân quả khi con người sống ở đời, những bài học trong chuyện giải buồn thường đúc kết ở đoạn văn cuối hay câu văn cuối. Chuyện giải buồn được viết với ngôn ngữ bình dân để phù hợp với dân trí và nhận thức của người dân Nam bộ cuối thế kỷ 19. Nhưng Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của không phải là chuyện mua vui. Người đọc chúng ta ngày nay sẽ không thấy ở Chuyện giải buồn những câu chuyện mua vui theo kiểu chuyện tiếu lâm trào phúng như cách ngày này chúng ta cảm nhận về thể loại chuyện cười.
2. “Chuyện đời xưa” được xuất bản lần đầu tại sài Gòn năm 1866, cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, do cụ Trương Vĩnh Ký ghi chép lượm lặt từ trong dân gian.
Được viết với văn phong bình dân, nó đã trở thành “sách gối đầu giường” của biết bao thế hệ người Việt.
Cho đến bây giờ, trải qua bao biến thiên của lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt; Chuyện đời xưa vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, dạy con người ta về cách ăn ở, lối hành xử hợp đạo lý. Cuốn sách xứng đáng có mặt ở nơi trang trong nhất trong tủ sách của mọi gia đình người Việt.
3. Những câu chuyện vừa hài hước vừa thâm thúy của người xưa được cụ Vương Hồng sển sưu tầm và biên khảo. Mang giá trị nhân văn to lớn, rất cần được xuất bản, gìn giữ cho các thế hệ sau.
Ngoài các câu chuyện nguyên bản, hầu hết rất ngắn, cỡ một vài trang giấy; thỉnh thoảng cụ Vương chú giải hoặc đúc kết những điều mà cụ tâm đắc, có khi lại so sánh với bối cảnh xã hội hiện thời. Qua đó chúng ta càng thấy trân quý những vốn liếng văn học của cha ông để lại.