“Nói tới văn Phùng Cung người ta nghĩ đến truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn số 4 (10/1956). Vì cái truyện này mà ông bị cho là thuộc nhóm “Nhân Văn – Giai Phẩm” và bị lâm nạn. Thực sự ông không thuộc nhóm văn chương đó. Cái truyện đó là do nhà thơ Hoàng Cầm, một người trong nhóm lấy đăng (về sau trong hồi ký của mình Hoàng Cầm đã hối hận về việc này khiến bạn mình phải chịu nạn).
Do truyện Con ngựa già của chúa Trịnh, Phùng Cung bị kỷ luật. Nhưng ông vẫn viết và sáng tác của ông vẫn theo tinh thần cái truyện đầu tay. Đầu những năm 1960 ông tập hợp khoảng ba mươi truyện thành một tập và đưa bản thảo cho một số bạn bè văn chương đọc. Bản thảo sau đó bị thất lạc, nhưng không hiểu sao lãnh đạo biết là có tập truyện này. Thế là Phùng Cung bị đi tù từ đầu 1961 đến cuối 1972 mới được thả. …” (PHẠM XUÂN NGUYÊN)
……
Phùng Cung, một đời thơ ‘chữ quê’ đau đớn
Nghe đến tên Phùng Cung tôi đã nhớ ngay đến Con ngựa già Chúa Trịnh, cái truyện ngắn mà ông anh trai mê văn chương của tôi ở cái làng Thượng Luật heo hút góc biển Quảng Bình ấy dấm dúi tha về không biết từ đâu bản chép tay trong cuốn vở học trò cho tôi đọc thời còn học cấp hai trường làng.
Hồi đó tôi không hề biết truyện ấy bị cấm, nên cứ đọc vô tư. Hơn nữa tôi đọc truyện mà chưa hiểu hết ý tứ sâu xa gì, chỉ thương hoài con ngựa Kim Bồng Thiên lý mã khi đã già, vì bao nhiêu năm chỉ lo phục vụ trong phủ Chúa với hai chiếc lá đa che hai bên mắt, không xông pha nơi chiến trận.
Nên khi ra trận sống mái cuối cùng ngựa Kim Bồng “chỉ trong chớp mắt nó tụt lại. Không chịu, nó càng lồng lên. Bỗng nó thấy nhói một cái ở ngang bụng như bị một nhát gươm chém mạnh. Nó ngã vật xuống, vùi đầu trong bụi lốc của đàn ngựa bay qua…”. Tôi giục anh Quán: “Đi ngay đi anh, “Con Ngựa già Chúa Trịnh” phải không ?”…
Anh Quán đạp xe chở tôi từ trường Chu Văn An bên Hồ Tây về đến 135 phố Mai Hắc Đế thì dừng lại. Cửa đóng kín. Anh Quán dựng xe đạp rồi gõ cửa nhẹ.
Một ông già thanh mảnh, lịch lãm mặc quần ngủ màu trắng, đi guốc mộc, đôi mắt thăm thẳm, long lanh hiền dịu, đeo kính lão dày cộp, ra mở cửa. Thấy Phùng Quán, gương mặt ông đang từ ưu tư căng thẳng chuyển sang tươi cười niềm nở.
Anh Quán quay sang tôi chữ nghĩa ý tứ : “Đây là nhà văn Phùng Cung, vừa mới được về với đời từ mấy năm nay”, rồi lại quay sang giới thiệu với Phùng Cung: “Thưa anh, em đưa đứa em làm thơ ở Huế quê em đến thăm anh”.
Ông bắt tay tôi rồi giục: “Vào nhà đi, đứng ngoài này nói chuyện không tiện!”. Ông dẫn chúng tôi lên gác. Tôi quan sát thấy ở ban công nhà có cây cau cảnh đặt cạnh cái vại nước nhỏ, một cảnh thu nhỏ thường ở các làng quê Bắc Bộ.
Tôi đã từng trọ học ở Kim Động, Hưng Yên, thấy nhà nào trong xóm cũng có vại nước đặt ở đưới cây cau cao ở sân dùng để rửa chân mỗi khi đi đâu về. Còn cây cau đến mùa ra hoa thơm lừng, hoa rụng lấm tấm đầy mặt nước, thơm lâng lâng.
Sau này gia đình nhà thơ Phùng Cung đã chuyển về khu vực Bưởi. Một lần tôi cũng theo anh Phùng Quán đến thăm, cũng thấy ở sân ông trồng cây cau, phía dưới có vại nước.
Trước khi nhà thơ mất vài tháng, ông chỉ cây cau và nói với một người bạn tên là Lữ đến thăm nhà: “Anh thấy không, cây cau nhà tôi èo uột, không lớn nổi vì thiếu ánh sáng. Nhưng mỗi lần nhìn nó thì tôi nghĩ đến thân phận…, và tôi càng thấy thương người dân mình hơn. Không giận ai được, chỉ có thương thôi” (Lữ – Cây cau của Phùng Cung).