Công chúa Đồng Xuân có thể được xem là phần tiếp theo của Từ Dụ thái hậu, cùng với Từ Dụ thái hậu hợp thành bộ tiểu thuyết lịch sử đầy đủ về triều Nguyễn. Nếu Từ Dụ thái hậu là thời thịnh Nguyễn (trải 30 năm, từ Gia Long đầu triều đến đầu thời Tự Đức), thì Công chúa Đồng Xuân tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động tang thương trải từ năm 1859 đến năm 1900. Đây là 1 cuốn tiểu thuyết đồ sộ 66 chương với hàng trăm nhân vật, đa phần là các nhân vật có thật trong lịch sử. Nhân vật Từ Dụ có cuộc đời trải dài suốt triều Nguyễn, trong Công chúa Đồng Xuân vẫn là một nhân vật mang tính “nền tảng”. Khác với Từ Dụ thái hậu đặc tả chuyện “cung đấu”, chuyện quân thần thời thịnh trị; Công chúa Đồng Xuân theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành 1 nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần, Pháp súy. Khá rõ ràng và kiên quyết, không ít đau tiếc ngậm ngùi, tiểu thuyết đưa ra quan điểm của tác giả về một sự “lỡ vận” của đất nước, khi quốc sách sai lầm, triều đình do dự quá lâu ko nghe theo hiến từ kiến quốc của các trí thức quan lại có tầm nhìn tiến bộ (về việc canh tân đất nước, củng cố quốc phòng, mở rộng giao thương, hòa hoãn để hạn chế thương vong chiến tranh…). Quốc sách cố chấp và bạc nhược đã khiến các vua Nguyễn dần đi vào ngõ cụt, cắt đất dâng dần cho Pháp, chịu nhiều chiến phí; nhiều cuộc nổi loạn và binh biến diễn ra liên miên, đặc biệt là xung đột với dân Đạo, làm rối ren và suy kiệt đất nước. Có thể nói qua tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân, người đọc có dịp nhìn lại đầy đủ và thấu đáo sử Việt thời đầu Pháp thuộc, từ đó nhìn thời hiện đại một cách “biện chứng” hơn.
Vấn đề lịch sử quan trọng và dữ dội đó, qua ngòi bút tài hoa của nữ nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai, được gói trong câu chuyện về một nàng công chúa. Đó là công chúa Gia Phúc, con gái của vua Thiệu Trị, nàng công chúa xinh đẹp của kinh thành Huế. Người am hiểu sử liệu triều Nguyễn sẽ biết ngay đến bà và tai tiếng “hòa gian” của bà với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình. Vụ tai tiếng đó, cùng với án thông dâm của vương phi họ Tống với con trai là Mỹ Đường, cũng như nghi án vua Tự Đức là con trai của Trương Đăng Quế và Từ Dụ thái hậu, là những nghi án lớn nhất triều Nguyễn. Và như ở cuốn tiểu thuyết trước, tác giả đưa ra câu chuyện của mình để chiêu tuyết cho nàng công chúa tội nghiệp, với cái nhìn nhân hậu, thấu suốt, đầy thuyết phục. Ngoài ra, tác giả chủ ý đặc tả các nhân vật nữ trong thành nội ở một khía cạnh khác, thật hơn, “đời” hơn, với những trang tả tình tả sex táo bạo đầy bất ngờ. Bên cạnh diễn tiến sục sôi của mạch chính trị, câu chuyện về một “Thị Màu cung đình” xinh đẹp, phóng khoáng và đầy sức xuân nơi cung cấm nghiêm cẩn hà khắc, với cuộc đời đầy ắp thăng trầm, giữa bao chính sự rối tung, làm cho cuốn tiểu thuyết hứa hẹn hấp dẫn từ đầu đến cuối.