Những nghiên cứu đầu tiên về thể chế chính trị của vương quốc Champa bắt đầu từ các tranh luận về chính thể tập quyền hay liên bang của vương quốc này.
Nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của người Chăm, nhà Champa học Étienne Aymonier đã có những tiếp cận và đối sánh giữa các nguồn tư liệu như văn bia và thư tịch Chăm. Tiếp đó, trên tập san của Viện Viễn Đông Bác cổ, Emmanuel Durand lại đưa ra những quan điểm ngược lại về biên niên sử Chăm. Durand cho rằng những biên niên sử này là có giá trị về mặt lịch sử, vì nó không ghi nhận gia phả của các vị vua đóng đô ở phía Bắc Champa. Georges Maspero trong một công trình nghiên cứu chỉ đề cập đến lịch sử Champa thông qua các vương triều đóng đô ở phía Bắc, mà không hề nhắc đến sự tồn tại của một triều đình khác ở phía Nam Champa, cũng không hề quan tâm đến việc có hay không một chính thể liên bang hay liên hiệp nhiều tiểu quốc của Champa, mà chỉ xem vương quốc này là một quốc gia thống nhất, theo thể chế tập quyền…
Để tìm hiểu lịch sử Champa, bia ký được xem là một khối dữ liệu quan trọng. Có một thực tế là bia ký Champa rất ít ỏi, nếu như không muốn nói là bị tàn phá gần hết. Hai bia ký quan trọng cho thấy chỉ dấu về những chính thể hay nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam là: bia ký Võ Cạnh (C 40) và Đông Yên Châu (C 174). Trong đó, bia ký Võ Cạnh phần nào cho thấy mối liên kết hay bị ảnh hưởng bởi Phù Nam của vị thủ lĩnh hay dòng tộc dựng lên tấm bia này.