Cuốn sách viết về hành trình du ký của Marcel Monnier đến với nhiều quốc gia tại châu Á, trong đó có An Nam – thời điểm đó là một trong những thuộc địa của Pháp. Sau chuyến đi này, ông đã viết một cuốn sách có tựa đề chung là Vòng quanh châu Á, gồm 3 tập:
– Tập 1: “Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ”.
– Tập 2: “Đế chế Trung Hoa”
– Tập 3: “Châu Á theo đường chéo – Từ Seoul đến Bagdad”
Với riêng tập 1: Vòng quanh châu Á – Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, đây là một tác phẩm đặc sắc mang hơi thở thời đại của Marcel Monnier. Cuốn sách xuất bản năm 1899 thì năm 1900 ông được Hàn Lâm Viện Pháp Quốc trao giải thưởng Marcelin Guérin.
Trong hành trình khám phá quốc gia lạ lẫm này, Marcel Monnier lần lượt đi từ Nam Kỳ tới Trung Kỳ lên Bắc Kỳ, ông tiếp xúc với nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội (từ vua – quan tới thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám) và không ngừng ghi lại những quan sát, nhận xét rất giá trị về cuộc sống, nét đẹp văn hóa, con người ở từng vùng miền. Từ đó làm sống dậy những năm tháng rất xa xưa của người Việt mà rất ít người có thể hình dung được.
NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ CUỐN SÁCH
Cuốn sách ghi lại hành trình của Marcel Monnier, một người Pháp đã từng đi và trải nghiệm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Trong hành trình đến với châu Á, quan điểm của ông là “Bất kỳ ai muốn mang về từ những vùng đất này một cảm tưởng đúng đắn đều phải từ bỏ cách thức của một du khách vội vã. Anh ta sẽ phải chấp nhận những đợt lưu trú dài hạn, thâm nhập vào trái tim của đất nước, rời xa khu nhượng địa của người Âu, hòa mình vào cộng đồng dân cư thành thị và nông thôn trong nhiều tháng”. Quả thực, khi tới với An Nam, Marcel Monnier đã hòa mình với một tinh thần như vậy. Dưới ngòi bút của ông người An Nam, văn hóa An Nam và cả lối sống của người An Nam hiện lên một cách rõ nét, không những thế đường xá, thổ nhưỡng, thời tiết, tập tục và tín ngưỡng của con người nơi đây cũng được đặc tả vô cùng chi tiết.
Bằng chất văn thơ mộng, đầy lãng mạn, cùng những quan sát rất tinh tế và sâu sắc của ông, chúng ta có thể dễ dàng hình dung được dòng chảy lịch sử, và những nét đẹp rất xưa cũ, rất hoài niệm của người An Nam trước đây và cả hoàn cảnh sống của họ tại thời điểm khó khăn ấy.
CHUYÊN GIA NÓI GÌ VỀ CUỐN SÁCH
Khi ta chưa kịp quên những trạm dừng chân trước, sự mê hoặc của Tích Lan [đảo Sri Lanka] và eo biển Malacca, sự náo nhiệt của Singapore, thì đập vào mắt là quang cảnh buồn tẻ của vùng đất Nam Kỳ: cát, rồi đến đụn cát và phía sau nữa là màu xanh đơn điệu của rừng ngập mặn.
Suốt nhiều giờ, tàu đi vào sông giữa cảnh vật thật hiu quạnh. Chỉ toàn là rừng ngập mặn; cây cối cong queo, ken dày, cả dưới nước và trên cạn, che kín những hố bùn hôi thối, không tìm đâu ra nền đất cứng, chúng liên tục biến mất, chỉ thấy vài đường viền lờ mờ di động; những gò đồi đơn độc hình nón xa xa. Và rồi, một sự yên tĩnh đáng lo ngại, một bầu không khí nặng nề bất chợt thế chỗ làn gió trong lành ngoài khơi.
Bầu không lặng ngắt như tờ; không một tiếng xì xào trong tán lá, trừ tiếng đập cánh của một con chim cốc hay một con cò giật mình hoảng sợ do tiếng khuấy nước của chân vịt. Trên dòng sông gần như hoang vắng, không có một bóng tàu: thỉnh thoảng mới thấy ven bờ có một con thuyền đánh cá, một xuồng tam bản nép mình dưới tán cây, một chiếc ghe mà người chèo đang vào lều đánh giấc trưa, trong lúc đợi thủy triều.
Sau những náo động của chuyến vượt biển, những tiếng gào thét của Đại Dương, sự hiu quạnh dưới bầu không sáng sủa này, sự tĩnh lặng và vạn vật bất động này mang đến cảm giác thật lạ. Đối với nhiều người, cảm giác ủ rũ, chán chường này không lập tức biến mất: trong chừng mực nào đó, ta hiểu được vì sao lại có những đánh giá nản lòng và thiếu căn cứ về Nam Kỳ và thủ phủ của xứ này như vậy…
Chỉ khi vào làng, ta mới có cơ hội gặp người An Nam đúng nghĩa, không hề lai tạp, thân hình mảnh dẻ, hơi gầy yếu, dáng đi mềm mại và do hai giới mặc quần áo giống hệt nhau nên thoạt nhìn không thể phân biệt người đang cầm ô dạo chơi hay đang dò dẫm từng bước, vai gánh hai rổ rau, là nam hay nữ. Dân [An Nam] thông minh và lanh lẹ, chịu được gian khổ dù hình thể nhỏ bé, thực hiện tốt những nhiệm vụ khó khăn nhất nhờ kiên trì nỗ lực; vâng lời, dễ bảo, tính tình vui vẻ, niềm nở và lễ phép, nhưng không đẹp.
Diện mạo của họ không hẳn gây khó chịu. Tộc người này nhìn chung không xấu: ánh nhìn có phần tinh ranh, các đường nét đôi khi không thiếu sự tinh tế. Ai cũng ăn trầu, kể cả trẻ con. Nhất là ở phụ nữ, món quà vặt quốc dân này, được nhai trong nhiều giờ. Họa hoằn mới thấy một hàm răng trắng, một đôi môi không dính vệt nước đỏ lòm. Đặc điểm đầu tiên của một trong những cô gái trẻ này chính là điều khiến những người dũng cảm nhất cũng phải ngần ngại.
….
Vòng quanh châu Á – Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ
Bốn năm (giai đoạn 1894-1898) là khoảng thời gian dài đằng đẵng mà Marcel Monnier dành để thực hiện chuyến đi vòng quanh châu Á, trong đó ba mươi tháng dùng để đi khắp đất nước Trung Hoa.
Sự tình cờ, theo Monnier, đóng một vai trò quan trọng khiến ông kéo dài chuyến đi so với dự kiến ban đầu (hai năm) và đã đưa đẩy ông ghé thăm Viễn Đông: Cao Miên, Đại Nam (nay là Việt Nam), rồi Nhật Bản, Triều Tiên… Bốn năm với ông như một cuộc lưu đày!
Từ chuyến đi thực địa này, Monnier đã xuất bản ba cuốn sách với nhan đề chính là Le tour d’Asie (Vòng quanh châu Á), tập 1 được dành cho những dòng du ký đậm chất văn về Việt Nam xưa, với nhan đề phụ là Cochinchine, Annam, Tonkin (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ). Cuốn sách được xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1899, mang lại cho ông giải thưởng của Hàn lâm viện Pháp năm 1900.
Bìa sách Vòng quanh châu Á – Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, AlphaBooks và NXB Dân Trí ấn hành, tháng 7.2024
Cái nhìn từ bên ngoài
Trở lại Sài Gòn sau hơn mười năm (lần đầu vào năm 1885), Monnier vẫn giữ trong đầu những ấn tượng về thành phố đẹp bậc nhất Viễn Đông này, “Sài Gòn là công trình khiến nước Pháp tự hào hơn cả”, “có những thành phố khác lớn hơn, sầm uất hơn nhưng không có thành phố nào duyên dáng, lộng lẫy bằng Sài Gòn”. Ở lần trở lại này, Monnier thấy thành phố được tôn tạo, mở thêm những đại lộ mới, khang trang hơn bao giờ hết.
Dưới bóng cây trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), “nơi vô số ngọn đèn đường – những ngọn đèn dầu đơn giản, – gây ảo giác và khiến ta tưởng rằng Sài Gòn đã bỏ khí đốt để chuyển sang đèn điện”, “rất nhiều quán cà phê hắt ánh sáng mờ đục lên vỉa hè”…
Người dân Sài Gòn vác thang đi thắp đèn dầu trên đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) vào năm 1896
Ảnh: Firmin André Salles
Hành trình của Monnier rong ruổi, bằng sà-lúp và thuyền tam bản, từ Sài Gòn – Chợ Lớn qua thác Trị An, xứ người Thượng, Angkor rồi đi ra Trung Kỳ với điểm dừng chân chính là Tourane (nay là Đà Nẵng) và kinh đô Huế. Những cung điện, lăng tẩm khiến Monnier thán phục về độ tráng lệ bậc nhất của nó. Monnier nhận định: “Ở một đất nước – mà tôn giáo chỉ gói gọn ở việc thờ cúng tổ tiên được thần thánh hóa bởi cái chết – điều này không có gì đáng ngạc nhiên”. Về phần mình, Monnier thích nghỉ lại “ở lăng mộ hẻo lánh nhất này [lăng Hiệp Hòa, Dục Đức] hơn là thành trì ảm đạm đang giam hãm vị vua cầm quyền, cung điện sầu thảm của Huế.”
Đoàn của Monnier cũng đi qua chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén hiện ra giữa đám cọ và tre bị uốn cong bởi sương mai. “Xung quanh hai bờ sông không có nhà ở, không một khoảnh đất khai hoang, không có dấu vết của con người; sự cô quạnh, sự tĩnh lặng của chốn rừng sâu nơi vọng vang thanh âm của thú săn mồi, tiếng cành cây khô rơi xuống, khiến khoảng lặng kéo dài trở nên xúc cảm hơn”.
Monnier được dịp dạo chơi tại Lễ Nghinh xuân, lẽ ra diễn ra trước đó sáu tuần nhưng vì nhiều lý do bị trì hoãn, ở đó ông được dịp quan sát những cử chỉ, hành động của vua Thành Thái, Tuy Lý Vương, Đệ tam phụ chánh Nguyễn Trọng Hiệp… “Khi lặng ngắm cảnh tượng mang tính tôn giáo này, khi nhìn thấy những mái đầu bạc trắng gập người trước thần tượng sống mà chuyến hành trình của ông ta mang lại may mắn cho thành phố, làm cho hoa nở, cây trái chín đỏ, khiến người ốm trở nên khỏe mạnh, mang đến niềm hy vọng cho những người nghèo khổ, tôi mới hiểu rằng việc tuân thủ các tập quán cổ truyền và nghi thức cổ hủ đã ăn sâu bén rễ vào tâm hồn của dân tộc này đến nhường nào, những người cho rằng có thể xóa bỏ tất cả những thứ đó mà không cần đến thời gian thì thực là liều lĩnh hoặc ngây thơ”.
Hành trình của Monnier tiếp tục đi về phía bắc của vương quốc Đại Nam với các điểm dừng chân Hải Phòng – Vịnh Hạ Long – Hòn Gai và Kế Bào – Hà Nội – Yên Thế – Ải Nam Quan… Ở Yên Thế, Monnier có cơ hội ghé thăm nhà Đề Thám với sự hỗ trợ nhiệt tình của Công sứ Bắc Ninh Muselier.
Chỉ tiếp xúc với Đề Thám khoảng 15 phút nhưng Monnier đã có những mô tả sống động và khá chi tiết về một nhân vật lịch sử. “Vừa nhấm nháp thứ đồ giải khát theo đề nghị của Đề Thám, tôi vừa quan sát người đàn ông mặc áo dài lụa màu nâu đỏ và nhìn chung, trang phục của ông cầu kỳ hơn, sạch sẽ hơn hẳn so với 9/10 đồng bào mình. Khoảng 30-35 tuổi; thân hình nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, các đường nét cân đối nhưng hơi dữ. Một vẻ ngoài bí hiểm, đôi mắt luôn khép hờ càng làm cho nó trở nên đáng sợ…”, “Đề Thám là một người trầm mặc và những câu hỏi duy nhất mà tôi muốn đặt ra cho ông ta có lẽ sẽ không được trả lời”…
Trên tinh thần “bất kỳ ai muốn mang về từ những vùng đất này một cảm tưởng đúng đắn đều phải từ bỏ cách thức của một du khách vội vã. Anh ta sẽ phải chấp nhận những đợt lưu trú dài hạn, thâm nhập vào trái tim của đất nước, rời xa những khu nhượng địa của người Âu, hòa mình vào cộng đồng dân cư thành thị và nông thôn trong nhiều tháng, trải nghiệm cuộc sống đơn sơ đến nỗi người phương Tây thường không chịu nổi. Chỉ với cái giá này, anh ta mới hy vọng có thể cho vào bộ ảnh của mình thứ gì khác chứ không phải những hình ảnh khuôn sáo…”, Marcel Monnier đã thâm nhập vào đời sống bản địa, quan sát, lắng nghe, tiếp thu văn hóa và ghi chép lại những dòng du ký giàu cảm xúc về những vùng đất ông đã đi qua.
Trong vai trò một ký giả kiêm du khách lịch duyệt, không điều gì thoát khỏi tầm mắt của Monnier, từ nhà thờ Đức Bà đến nhà hát thành phố, tòa thượng thẩm đến đời sống thị dân: đám phu phen, xà ích và xe cộ đủ loại: xe ngựa, xe đẩy, xe kéo tay, xe bò, “một đội ngũ chủ xe và những cỗ xe cà tàng mắc vào những con ngựa đủ loại, căng thẳng, cáu kỉnh, vùng vằng với những tiếng hí và những cú đá hậu”; “nhiều công trình lớn, lán hàng, kho cảng, ống khói cao của các nhà máy xát gạo, xa hơn nữa là rừng già, trên nền xanh đó những cột buồm, những biển báo và những tháp chuông của ngôi thánh đường mới [nhà thờ Đức Bà] vút lên trời.” Hay những cảm nhận về ẩm thực bản địa, các vở kịch với sự cầu kỳ trong trang phục và tư thế, âm nhạc cung đình…
Dàn diễn viên của Cung điện – Huế (Ảnh trích từ tác phẩm)
Chính vì vậy, những trang viết độc đáo và tường minh của Monnier trở nên sống động và mang hàm lượng thông tin tư liệu giá trị cao, giúp hậu thế tìm về với quá khứ, hiểu rõ hơn quá khứ và cảm nhận sâu sắc hơn về muôn mặt đời sống văn hóa tinh thần của cha ông một thuở. (Nguyễn Quang Diệu)