CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA là cuốn từ điển song ngữ Hán – Việt cổ nhất hiện còn lưu giữ nhiều dấu vết của chữ Nôm và tiếng Việt cổ ở thời kỳ đầu. Trong khoảng hơn ba thập kỉ trở lại đây, CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA luôn là một nguồn tư liệu đáng tin cậy để nghiên cứu, tìm hiểu về cội nguồn của lịch sử phát triển văn tự Nôm – tiếng Việt và nhiều lĩnh vực liên ngành khoa học xã hội khác.
PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ là một chuyên gia về chữ Nôm và tiếng Việt lịch sử. Chữ Nôm cổ và tiếng Việt lịch sử là một bộ môn quan trọng, nơi tiếp giáp giữa Hán – Nôm – tiếng Việt – lịch sử, ngữ âm… Cùng với các chuyên gia Nôm cổ, tiếng Việt cổ, PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ đã âm thầm, kiên nhẫn nghiên cứu, phát hiện nhiều vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ là một chuyên gia quý hiếm về một lĩnh vực hết sức đặc thù.
PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ đã được biết đến qua các chuyên khảo: GƯƠNG SÁNG TRỜI NAM( THIÊN NAM MINH GIÁM) (Nxb. Văn học, H. 1994), CHỮ NÔM VÀ TIẾNG VIỆT QUA BẢN GIẢI ÂM “PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH”, (Nxb. KHXH, H. 1999); THIỀN TÔNG BẢN HẠNH (Nxb. Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2010) và nhiều bài báo khoa học đã đăng tải trên Tạp chí và Thông báo khoa học chuyên ngành.
Cuốn sách TỪ ĐIỂN SONG NGỮ HÁN VIỆT CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA cùa PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ là tổng hợp những kết quả nghiên cứu, tìm hiểu về căn bản CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA của PGS. TS. trong một thập kỷ trở lại đây. PGS. TS. Hoàng Thị Ngọ đã rà soát kỹ lại văn bản Hán Nôm để cố gắng hoàn thiện thêm một bước bản phiên khảo của TS. Trần Xuân Ngọc Lan, làm rõ thêm những vấn đề về văn bản, tác giả, niên đại, những cứ liệu về ngữ âm lịch sử, từ ngữ cổ… và chứng minh rằng thể thơ lục bát được sử dụng để diễn đạt các mục từ trong cuốn từ điển, chính là dấu tích sớm nhất của thể thơ lục bát trong văn học thành văn của văn học trung đại Việt Nam.