Y TẾ PHƯƠNG TÂY Ở BẮC KỲ (1873 – 1945)
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với quá trình xâm chiếm và cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã từng bước du nhập y học phương Tây vào Bắc Kỳ (Việt Nam), xây dựng và định hình một nền y tế hiện đại ở đây. Sự xuất hiện của y tế hiện đại bên cạnh y học cổ truyền là một trong những cơ sở quan trọng hình thành nên nền y tế thuộc địa ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến 40 năm đầu thế kỷ XX. Trước khi y tế phương Tây phát huy vai trò của một nền khoa học sức khỏe cho người dân thuộc địa, nó đã được người Pháp triển khai để phục vụ cho quân đội và chính quyền Pháp tại chỗ. Sau này, cùng với y học cổ truyền, y tế phương Tây đã từng bước phát huy ưu thế trong quá trình chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, việc thiết lập y tế phương Tây tại Bắc Kỳ đã mở ra quá trình tiếp cận với y học và khoa học hiện đại của người Việt. Người Việt vừa đấu tranh chống lại ách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, vừa từng bước tiếp nhận nền y học hiện đại mà người Pháp mang tới.
Dưới góc độ khoa học, việc tìm hiểu về chủ đề y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873 – 1945 có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Bắc Kỳ, lịch sử y tế ở Việt Nam thời cận đại. Đó còn là bối cảnh hình thành của một liệu pháp y tế mới được duy trì trong đời sống của người Việt đến tận ngày nay – liệu pháp “Đông – Tây y kết hợp”. Ngành Y là một trong những lĩnh vực đầu tiên được xây dựng của nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu chủ đề này còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế, thúc đẩy hoạt động đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện nay.