Viện Bảo tồn và Phát triển văn hóa truyền thống (IPDTC), Nhà xuất bản Thế giới và công ty Transacademia hợp tác xuất bản nhằm giới thiệu đến độc giả và các nhà nghiên cứu ấn phẩm Kim Vân Kiều – Le chant déchirant d’une destinée funeste.
Đây là bản chuyển ngữ sang tiếng Pháp trước tác kinh điển Truyện Kiều – Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, khi đến Việt Nam làm việc trong chính quyền thuộc địa, dịch giả René Crayssac đã vô cùng ấn tượng trước nền văn chương xứ sở này. Cùng các học giả người Việt và người Pháp, ông đã tiến hành biên dịch và xuất bản nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Bên cạnh đó, Crayssac cũng cho ra đời những tiểu luận phê bình, cũng như các tác phẩm thể loại kịch nói với chủ để xoay quanh đất nước và con người nơi đây. Một trong những công trình then chốt nhất mà ông hoàn thành chính là bản chuyển ngữ theo thể thơ Alexandrin của tác phẩm Truyện Kiều, được nhà xuất bản Lê Văn Tân ấn hành năm 1926 tại Hà Nội.
Nếu như đầu thế kỷ XIX, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã viết nên câu chuyện cuộc đời Thúy Kiều bằng những vần thơ Nôm; thì hơn một trăm năm sau, danh tác ấy đã được René Crayssac chuyển ngữ sang tiếng Pháp theo thể Alexandrin. Mặc dù số lượng âm tiết mỗi câu của thể thơ này (12 chữ) có phần khiến một số đoạn trong tác phẩm ít nhiều dược dịch khá thoáng so với nguyên tác, nhưng dịch giả đã thành công khi mang đến cho chúng ta một phiên bản Truyện Kiều với những vần điệu nhịp nhàng và dễ tiếp cận đối với độc giả Pháp ngữ, cũng giống như cách Nguyễn Du đưa người đọc nước Nam đến với câu chuyện cuộc đời của nàng Kiều qua những vần thơ lục bát. Dưới ngòi bút của Crayssac, Truyện Kiều đã khoác lên mình bộ cánh lộng lẫy nhất của ngôn ngữ Pháp, đó chính là nét cổ điển. Với độc giả, cách tiếp cận này làm thay đổi mọi thứ. Chỉ cần lướt qua các bản dịch tiếng Pháp khác của Truyện Kiều, ta có thể lập tức nhận thấy rõ điều này khi trong các bản dịch ấy, tác phẩm không được chuyển ngữ thành vần điệu, thiếu sinh động, rời rạc về câu chữ. Và vì cố gắng bám sát với những hình ảnh văn chương trong nguyên tác, nên các bản dịch ấy vô hình trung lại khiến những yếu tố nhẹ nhàng trở nên nặng nề, những chi tiết vốn sáng tỏ trở nên lu mờ, và kết cục đã làm mất đi vẻ đẹp của danh tác trong quá trình cố gắng tái hiện chính vẻ đẹp ấy bằng một ngôn ngữ khác.
Tại đây tồn tại một nghịch lý. Mặc dù bản chuyển ngữ của Crayssac tinh tế hơn nhiều so với những bản dịch được cho là bám sát nguyên tác, nhưng người ta lại có thể nghi ngại là một số đoạn “hơi xa nguyên tác”. Chúng tôi cho rằng dịch giả có lí do chính đáng của mình. Truyện Kiều dưới ngòi bút của Crayssac thực ra lại truyền tải chính xác hơn ý nghĩa và tinh thần trong tác phẩm của Nguyễn Du. Trước một lối diễn đạt cụ thể hay một biện pháp tu từ nào đó không thể trực tiếp dịch sang tiếng Pháp, Crayssac đã lựa chọn giải pháp đưa yếu tố giải thích vào nội dung lời thơ. Hơn nữa, các lời diễn giải ấy không bị nặng nề theo kiểu học thuật mà được diễn giải khéo léo và tinh tế, phù hợp với sự tiếp nhận của người bản ngữ tiếng Pháp. Chính vì lẽ đó, bản dịch của Crayssac có phần dài hơn nguyên tác, cho dù diễn biến trong cuộc đời phiêu bạt của nàng Kiều không có bất kỳ thay đổi nào.
Đối với tác phẩm dịch, tiêu chí quan trọng nhất chính là sự rõ ràng về nội dung và tính nhuần nhuyễn của văn phong trong quá trình chuyển ngữ, để làm sao mang đến cho bạn đọc cảm xúc tương tự những gì tác giả muốn truyền tải trong bản gốc. Đó mới chính là tính chân thực trong văn học. Bản thân cũng là nhà thơ, hơn ai hết, Crayssac là người thấu hiểu câu chuyện của Nguyễn Du, để rồi từ đó phải thốt lên: “Không có kiệt tác thơ ca nào không bị mất đi đa phần hương sắc, ngữ khí và ý vị khi dịch sang ngôn ngữ khác ở dạng văn xuôi, ngay cả khi tác phẩm được chuyển ngữ sát nghĩa và khéo léo”.
Hương sắc và khí vị ấy, hay nói cách khác là lớp bụi thời gian phủ lên kiệt tác thơ ca ấy, là yếu tố mà Crayssac đã cố gắng truyền tải trong bản dịch của mình, nhằm giúp độc giả cảm nhận được, dù qua ngôn ngữ của một đất nước phương Tây xa xôi, nét cổ kính phảng phất trong văn chương của một nền văn hóa Á Đông huyền bí. Sau cùng, dưới hình thức thơ Alexandrin, đây chính là bản dịch duy nhất có thể giới thiệu tới độc giả Pháp ngữ tầm vóc đích thực của Truyện Kiều – kiệt tác văn chương của dân tộc Việt Nam.