Combo 8c của sách tác giả Nguyễn Xuân Khánh:
1. Một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi (bìa mềm – khổ 16x24cm):
Bìa mềm 220k
2. Tiếng người trong văn (bìa mềm – khổ 13.5×20.5cm):
Bìa mềm 120k
3. Đội gạo lên chùa (bìa cứng – khổ 16×24 – tái bản 2021):
Bìa 300k
4. Hồ Quý Ly (bìa cứng – khổ 16x24cm – tái bản 2021):
Bìa cứng 280k
5. Mẫu thượng ngàn (bìa cứng – khổ 16x24cmcm – bản in 2018):
Bìa cứng 230k
6. Rừng sâu và những truyện khác:
Bìa mềm 125k
7. Miền hoang tưởng:
Bìa mềm 65k
8. Chuyện ngõ nghèo
Bìa mềm 90k
….
Tham khảo:
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh-Nhiều chuyện chưa từng kể.
TP – Nhân 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ – đơn vị chuyên in các tác phẩm của tác giả “Chuyện ngõ nghèo” phát hành một tập di cảo và một “chân dung Nguyễn Xuân Khánh” được “vẽ” bằng hồi ức của chính bạn bè, đồng nghiệp của ông.
“Không gì cản trở được một nhà văn lớn”
Hai cuốn sách lần lượt được giới thiệu là “Tiếng người trong văn” và “Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi” ra mắt bằng hình thức trực tuyến vào sáng 9/10/2021 thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả và những người nghiên cứu văn chương.
Giám đốc NXB Phụ Nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng tiết lộ, cuốn “Tiếng người trong văn” (tập hợp những bài viết của Nguyễn Xuân Khánh về các bạn văn của mình) được nhà văn “túc tắc” làm khi NXB đặt hàng từ trước đó nhiều năm. Nhưng cứ giục in là ông lại lơ đi, có vẻ như tác giả không muốn ra mắt cuốn sách khi ông còn sống, hoặc giả ông vẫn đang viết.
Sinh thời, khi bộ ba tiểu thuyết lịch sử: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn” và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh làm ra những hiện tượng xuất bản (mỗi cuốn đều được tái bản 8-13 lần) một độc giả yêu văn ông đã tiên đoán: văn ông Khánh hấp dẫn thế nào thì đời ông Khánh cũng hấp dẫn thế ấy. Nếu có ai kiên nhẫn làm một biên khảo về đời ông thì hay lắm!
Bộ tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh được in mới và tái bản trong dịp kỷ niệm 100 ngày mất của ông
Thì nay, sau khi ông mất 100 ngày, Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương đã làm được điều ấy với cuốn “Nguyễn Xuân Khánh, một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá, cuốn sách như một “sơ yếu lí lịch, tự truyện văn chương của Nguyễn Xuân Khánh”.
Con đường văn học của Nguyễn Xuân Khánh không trôi chảy. Khoảng những năm 70 ông gặp phải một cú vấp số phận: bị kỷ luật, cho thôi việc, nhà văn buộc phải loanh quanh ở nhà làm thợ may, nuôi lợn, làm bảo vệ, thậm chí bán máu… để nuôi gia đình. Điều đặc biệt là, dù trong hoàn cảnh khó nhọc, ngột ngạt cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, ông vẫn viết, viết khi không được công bố, viết khi không được in. Trong thầm lặng, những bản thảo viết tay kín chữ vẫn xếp đầy ngăn kéo.
Thời điểm đó (đầu những năm 80), “Trư cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện, được truyền tụng trong giới văn chương dưới dạng sách tự xuất bản (underground). Sau này, tiểu thuyết này đổi tên thành “Chuyện ngõ nghèo” và chính thức được cấp phép xuất bản.
Những đánh giá trái chiều.
Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương đánh giá: Văn chương Nguyễn Xuân Khánh là dữ liệu để hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, trong tương lai ắt hẳn sẽ được đọc lại nhiều. Tiến sĩ Dương cũng nói thêm: “Nhiều người cho rằng “Trư cuồng” là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Xuân Khánh, nhưng tôi tin Nguyễn Xuân Khánh sẽ sống lâu qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Đây là nỗ lực của tác giả trong hành trình đi tìm dấu vết văn hóa của một dân tộc trải qua nhiều hoạn nạn, sóng gió, va đập, và qua đó tìm ra sức mạnh sự bền bỉ của người Việt.
Trong khi đó nhà văn Uông Triều có nhận định khác: “Đọc lại những ý kiến của các nhà văn đồng nghiệp về cuốn “Miền hoang tưởng” của Nguyễn Xuân Khánh do báo Văn nghệ tổ chức năm 1990, tôi thấy giật mình. Các tên tuổi như Bùi Hiển, Lê Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Tiến Duật, Ngô Ngọc Bội, Xuân Thiều… các nhà văn này đều chê “Miền hoang tưởng” cạn lời, hầu như có rất ít lời khen. Cơ bản họ đều thấy nó thấp kém, cá nhân, không đạt, yếu, non.? Tôi ngạc nhiên, vì theo cảm quan cá nhân của tôi, “Miền hoang tưởng” mới là cuốn đột phá, sáng nhất của Nguyễn Xuân Khánh, còn bộ ba lịch sử, văn hoá sau này, có khen thì cũng đương nhiên thôi. Cá tính sáng tạo, sự tiên phong của toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh chính là ở “Miền hoang tưởng”, thế mà nó bị chê hết lời, bị vùi dập, bị thay tên đổi họ, để xuất bản. Tôi chắc chắn rằng ở thời điểm này nó sẽ được bình tĩnh đánh giá đúng và khách quan hơn”.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương kể một câu chuyện thú vị: trong hành trình truyền bá việc đọc của anh, nhiều người đặt mua sách Nguyễn Xuân Khánh là các nhà tu hành. Khi cuốn “Tiếng người trong văn” của ông xuất hiện thì giới trẻ lại đặt mua khá nhiều, họ tò mò về những thứ gọi là chủ nghĩa xét lại, nhân văn giai phẩm,… họ cũng không thể hình dung một nhà văn sống trong hoàn cảnh vật chất ngặt nghèo, bị áp chế về mặt tinh thần vẫn viết, ngăn kéo lúc nào cũng sẵn bản thảo chỉ chờ có dịp là đưa in.
Bạn đọc Thùy Dương (sáng lập dự án “Sách nhà mình”) chia sẻ: Là một người làm ngân hàng nhưng lần đầu nghe “Mẫu Thượng Ngàn” đọc trên đài chị đã vô cùng xúc động và tìm mua bằng được tác phẩm. “Kể từ Nguyễn Tuân tôi mới thấy một nhà văn có tiếng Việt đẹp và lộng lẫy như vậy”, chị Dương nói.
Chị Dương cũng cho biết, chị hay giới thiệu cho bạn bè của mình: muốn tìm hiểu lịch sử thế kỷ 20 thì nên đọc “Mẫu Thượng Ngàn”, không khô khan như sách sử, những câu chuyện lịch sử trong “Mẫu Thượng Ngàn” được kể hấp dẫn, “vô cùng ngấm”.
Cũng trong buổi ra mắt, con trai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, anh Nguyễn Tâm Tư tiết lộ, hiện gia đình chưa lục tìm được hết di cảo của nhà văn nhưng anh biết chắc bố mình còn một bản thảo tiểu thuyết nữa tên là “Trôi sông”. Hy vọng bản thảo “Trôi sông” được tìm thấy và sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) quê ở làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội.
Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.
Ông được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. (Theo Tiền Phong)