Toàn Việt thi lục là một trong những bộ sách gốc về thơ chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI. Đây là bộ sưu tuyển thơ ca đồ sộ, xét về cả quy mô nội dung và phương pháp tổ chức – cách thức biên định gắn với tên tuổi nhà bác học lớn nhất của thế kỷ XVIII – Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn (1726 – 1784) viết trong Lệ ngôn rằng ông đã vâng mệnh vua để biên soạn bộ sách. Bộ sách được hoàn thành vào năm Mậu Tý (1768), đời vua Lê Hiển Tông.
Theo PGS.TS Hà Văn Minh – Giảng viên Bộ môn Hán Nôm tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội – thời điểm Lê Quý Đôn “phụng chí biên định” Toàn Việt thi lục vẫn chưa rõ nhưng có điều chắc chắn là sau khi ông đi sứ sang nhà Thanh (1760-1761) vì nội dung ghi chép cũng như quy cách biên tập phản ánh rõ ông chịu ảnh hưởng kết quả và phương pháp làm sách của Trung Quốc.
Còn theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh viết trong Từ điển Văn học (bộ mới), Lê Quý Đôn đã sưu tầm, biên soạn bộ hợp tuyển thơ chữ Hán Việt Nam trong vòng một năm và dâng lên triều đình.
Theo Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn, Toàn Việt thi lục có 15 quyển, sưu tầm thơ từ triều Lý đến hết thời Lê sơ (1527). Sách chưa được khắc in, các bản chép tay hiện vẫn chưa được thống nhất. Trong số đó, bản mang ký hiệu A.1262 được cho là bản giữ được kết cấu ban đầu của bộ sách nhất.
Tuy chia làm 15 quyển nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy sách gồm hai phần khá rõ. Phần 1 từ quyển I đến quyển IV chép thơ bốn triều đại: Lý, Trần, Hồ, Hậu Trần. Phần còn lại gồm 11 quyển chép thơ thời Lê sơ. Nguyên tắc sắp xếp chủ yếu dựa vào lịch đại, ngoài ra trong mỗi phần, thơ của vua chúa được chép riêng và được sắp xếp ở đầu.
PGS.TS Trần Thị Băng Thanh khẳng định: “Trong những hợp tuyển thơ Việt Nam được biên soạn từ trước thế kỷ XIX, Toàn Việt thi lục là đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học, kế thừa thành quả và rút kinh nghiệm của những nhà sưu tầm trước”.
Với khoảng 2.391 bài thơ của 175 tác giả, tuy các bản sao hiện nay vẫn chưa đầy đủ và thống nhất nhưng công trình của nhà bác học Lê Quý Đôn được các nhà nghiên cứu sau này xem là “một kho báu của nền văn hóa dân tộc và là một tài liệu quý giá cho công tác nghiên cứu”.
Theo PGS.TS Băng Thanh, thơ ca từ thế kỷ XVIII trở về sau được ghi chép nhiều trong các tác phẩm cá nhân, nhưng từ thế kỷ XVII trở về trước không có nhiều, trong đó Toàn Việt thi tập là bộ sách được ghi chép đầy đủ và bài bản.
Trong phần Lệ ngôn, Lê Quý Đôn viết rằng bộ sách là công trình sưu tập “đầy đủ nhất về các thể, các loại thơ, của các tầng lớp xã hội cho đến thời điểm bấy giờ”.
Chính vì vậy, công trình của Lê Quý Đôn không chỉ có giá trị về mặt khoa học trong việc ghi chép, sắp xếp, mà còn là nguồn tư liệu quý hiếm cho cho các học giả sau này nghiên cứu thơ ca Việt Nam nhiều thế kỷ trước.
“Có rất nhiều tác giả, tác phẩm của thơ ca cổ điển của rất nhiều thế kỷ được sao chép mà đến nay vẫn chưa được giới thiệu, công bố, khai thác và dịch thuật. Ngay cả những tác giả đã được công bố rồi, vẫn cần có tư liệu gốc để đối chứng”, PGS.TS Hà Văn Minh cho biết.
Toàn Việt thi lục hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris (Pháp). (THANH TRẦN)