Giáo sư Amalendu De – nguyên Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu xã hội châu Á (Asiatic Society) ở Kolkata, nhận định: “Không nghi ngờ gì nữa, chuyến vượt biển đầu tiên của tác giả đã làm phong phú kiến thức của chúng ta về cả Ấn Độ và Việt Nam ở thời kỳ cổ đại”. Qua từng trang sách có dẫn chứng nhiều nguồn tư liệu, tác giả đã bàn luận một cách thấu đáo rằng, các thương nhân, thợ thủ công, những hoàng tử trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm và cả các học giả Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng đối với nền văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ tại Việt Nam. “Nhân dân Ấn Độ và Việt Nam cần phải khắc sâu và hiểu rõ các mối quan hệ lịch sử bền vững đã tồn tại qua nhiều thế kỷ giữ hai nước. Nếu được làm nổi bật thích đáng, các mối quan hệ này có thể phát triển thành những liên kết mạnh mẽ hơn, những lợi ích to lớn hơn của cả hai dân tộc”, tác giả nhấn mạnh.
Được biết, để hoàn thành công trình nghiên cứu công phu này, ông Geetesh Sharma đã dành nhiều thời gian, công sức trong suốt mấy năm trời nghiên cứu các tháp Chàm ở miền Trung nước ta để khảo sát thực địa bổ sung cho tài liệu mà ông đã sử dụng.