Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế là tác giả của những cuốn sách, bài viết về các biểu tượng tâm linh người Việt, đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng. Với cảm nhận từ tuổi thơ về gương mặt La Hầu trong các đình chùa, tác giả đã theo đuổi và mày mò tìm hiểu. Sau nhiều năm nghiên cứu, tác giả đã biết: La Hầu là gương mặt hung dữ bậc nhất trong mỹ thuật Việt mà ông đã từng nhìn thấy ở chùa Hưng Ký thời ấu thơ. Thực sự đó là khuôn mặt lớn nhất trong các khuôn mặt ác quỷ ở đình chùa, đền miếu của người Việt. Khuôn mặt ấy vẫn thường được gọi là hổ phù, là long hàm thọ. Tại sao các cụ nhà ta hay dâng sao giải hạn nếu như làm việc gì gặp phải sao La Hầu? Vậy gương mặt La Hầu là gì? La Hầu thường được đặt ở vị trí nào? Bố cục, đường nét thẩm mỹ ra sao? Đặc biệt là ý nghĩa của La Hầu trong văn hóa của một số nước có gương mặt La Hầu như thế nào? Các câu hỏi trên sẽ được giải đáp qua nội dung cuốn Đi tìm gương mặt La Hầu của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Tác giả cho rằng nghiên cứu gương mặt La Hầu ở đây mới chỉ là một giả thuyết khoa học, cần tiếp tục được kiểm chứng và phản biện, vì thế Nhà xuất bản Mỹ thuật và tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp để tác giả tiếp tục việc nghiên cứu về gương mặt La Hầu cũng như các gương mặt ma quỷ trong Nghệ thuật Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.