SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Tác giả: Charles Robequain
Dịch giả: Ninh Xuân Thao, Phạm Ngọc Hiệp, Trần Văn Kiên
Cuốn sách Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, tên nguyên bản bằng tiếng Pháp L’évolution économique de l’Indochine française, là một trong những công trình nổi tiếng của Charles Robequain (1897 – 1963), được Nhà xuất bản Paul Hartmann phát hành lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1939. Charles Robequain, tác giả cuốn sách, từng theo học ngành Lịch sử Địa lí ở Pháp và làm việc tại Trường Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội trong các năm 1924 – 1926. Năm 1926, ông vừa làm luận án vừa tham gia giảng dạy tại Trường Albert Sarraut (Hà Nội). Năm 1928, Charles Robequain bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Ông từng làm việc tại nhiều trường đại học nổi tiếng ở Pháp, như Rennes, Nice và sau đó trở thành giáo sư tại Trường Đại học Sorbonne ở Paris.
Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, Charles Robequain có cơ hội khảo sát, thu thập tài liệu để biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về địa lí, lịch sử Đông Dương và Việt Nam. Ông được đánh giá là người tiên phong trong nghiên cứu về địa lí, lịch sử vùng Viễn Đông với một di sản nghiên cứu đồ sộ gồm hơn 100 công trình.
Trong cuốn sách Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp, tác giả để cập tới diễn trình của sự phát triển kinh tế Đông Dương từ những năm cuối thế kỉ XIX đến năm 1938. Ngoài phần Lời nói đầu, Dẫn nhập và Kết luận, cuốn sách gồm 8 chương, tập trung phân tích các yếu tố tác động, làm rõ những biến đổi theo hướng hiện đại của nền kinh tế Đông Dương mà tác giả gọi là “Những hoạt động kinh tế mới”. Bằng nguồn tư liệu phong phú, số liệu đa dạng, kết hợp với cách tiếp cận hiện đại và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành, tác giả đã phân tích, diễn ngôn những vấn đề phức tạp, khô khan thành những chủ để đẩy lí thú.
Cuốn sách Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp là công trình khảo cứu công phu, hữu ích đối với tất cả những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về lịch sử Đông Dương nói chung, lịch sử Việt Nam nói riêng trong thời kì thuộc địa.
– Trần Xuân Trí (Trích Lời giới thiệu)