Quyển sách này là tập thành khá toàn diện những dữ liệu căn bản về quy pháp tạo hình và đồ tượng học Hindu giáo cũng như Phật giáo Ấn Độ.
Hindu giáo và Phật giáo Ấn Độ là hai tôn giáo không chỉ có tầm quan trọng đối với lịch sử văn hóa Ấn Độ, mà còn ảnh hưởng đến lịch sử văn hóa và nghệ thuật của các quốc gia châu Á, đặc biệt là Nepal, Paksitan, Afghanistan, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, sự ảnh hưởng này có thể nhận thấy thông qua các nền văn hóa Chăm, Phù Nam, Khmer.
Qui pháp tạo hình và phong cách nghệ thuật của Hindu giáo và Phật giáo Ấn Độ, trong lịch sử đã ảnh hưởng khắp quốc gia châu Á ở nhiều mức độ khác nhau. Tại mỗi tọa độ địa lý – văn hóa, hình tượng các vị thần, Phật Ấn Độ được bảo lưu và đồng thời tích hợp những thuộc tính bản xứ tạo nên sự biến đổi về hình tướng, trang phục, trì vật… đa dạng. Điều này đã giải thích sự khác biệt về hình tượng ở từng ngữ cảnh văn hóa và cũng chỉ ra sự cần thiết có hiểu biết về những đặc trưng nguồn cội của chúng mới có thể đạt được sự tường minh.
Trong thực tế, quyển sách có thể được xem là một dạng “sổ tay” giúp bạn đọc có những hiểu biết cần thiết để tiếp cận với các di sản văn hóa của các nước trong khu vực châu Á, cũng như tìm hiểu các di sản kiến trúc nghệ thuật của các cộng đồng văn hóa chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ ở xứ ta.
Mặt khác, quyển sách cũng nhằm cung cấp cho người ham thích cổ ngoạn các dữ liệu cần thiết để tiếp cận, đối chiếu khi bắt gặp những di vật, di tích có liên quan.
Trích Lời mở đầu