Cành Vàng là một trong những tác phẩm kinh điển của ngành văn hóa học theo thuyết tiến hóa trong văn hóa. Sách nghiên cứu văn hóa nhân loại thời kỳ chuyển đổi từ tín ngưỡng sang tôn giáo, từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo dưới cái nhìn khoa học, kéo theo những thay đổi trong phong tục tập quán, lối sống..
Trong Cành vàng, J.Franzer đã có ý định xây dựng lý thuyết phổ quát về sự tiến hóa của tư duy nhân loại dựa trên việc thừa nhận sự thống nhất tâm lý – văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới qua ba phương thức quan hệ với tự nhiên: ma thuật, tôn giáo và khoa học. Tư duy ma thuật cho rằng, thế giới tự nhiên bị điều khiển bởi những quy luật bất biến, vô nhân dạng và có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa việc thực hành nghi lễ và các hiện tượng tự nhiên. Niềm tin ma thuật dựa trên lối liên tưởng theo sự tương tự và những dấu hiệu giống nhau bên ngoài. Việc tin rằng cái giống nhau sẽ mời gọi cái giống nhau là cơ sở của ma thuật bắt chước hoặc lây lan. Những ma thuật này thông trị trong một giai đoạn dài lâu, bao bọc lấy đời sống nhân loại và tạo ra cả một quyển tinh thần qua những huyền loại và nghi lễ.
Tuy nhiên tư duy ma thuật vì dựa vào những nguyên nhân giả tạm như vậy nên không có hiệu quả thực tế trong việc chế ngự các hiện tượng tự nhiên. Bởi thế, lối tự duy này phải nhường chỗ cho tư duy tôn giáo, tức chuyển sang tin vào các thực thể siêu nhiên có nhân dạng và có khả năng điều khiển được các lực lượng tự nhiên. Và để thực hiện được mong muốn này, con người cần phải cầu xin sự giúp đỡ của những thực thể siêu nhiên đó, tức là các thần linh và bù lại phải thực hiện sự hiến tế. Còn tư duy khoa học, giai đoạn thứ ba của sự phát triển tư suy con người, thì nghiên cứu liên hệ nhân quả hiện thực của hiện tượng bằng phương pháp logic, thực nghiệm. Sự nhận thức được tính nhân quả hiện thực cho phép con người thiết lập được việc kiểm soát thực sự của mình đối với tự nhiên…