Cuốn sách này có tên là liên tục qua những đứt đoạn – một cái nhìn lịch sử văn học có vận dụng lý thuyết hệ hình, nhưng chủ yếu là nhìn từ tư tưởng hệ hình. Bởi một lý thuyết văn học, như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học chẳng hạn, thường được khái niệm hóa và, do đó, thao tác hóa đến cấp độ thủ pháp, nên việc áp dụng khá dễ dàng. Lý thuyết hệ hình, ngược lại, buộc người viết phải tự xây dựng lấy các mô hình nghiên cứu tương thích với cái khung lý thuyết quá phổ quát (tiền – hiện đại, hiện đại và hậu – hiện đại) khi nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể như triết học, mỹ học, văn học. Vậy nên, gọi là tư tưởng, một khái niệm lỏng thì thỏa đáng hơn chẳng? Hơn nữa, các mô hình trên đều mang tính chất giả thuyết cá nhân, nên có sai đúng gì thì chúng tôi, người viết, chịu trách nhiệm.
Chữ tư tưởng trong trường hợp này còn có một ngụ ý khác. Viết cuốn lịch sử văn học này, không phải là cuốn lịch sử toàn bộ, bao gồm cả đời sống văn học, tức da thịt văn học của nó, mà theo lối tiếp cận từ bộ phận, tức chỉ có tư tưởng văn học, phần xương tủy của nó. Lịch sử văn học, nhất là lịch sử văn học thế kỷ XX, với sự dồn nén như vậy, mới thấy được sự vận động của nó chủ yếu dựa trên sức mạnh nội tại, sức mạnh tự thân. Các sự kiện chính trị – xã hội xảy ra vào các năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 có thể đánh vỡ lịch sử văn học cả thế kỷ XX thành các lịch sử nhỏ riêng biệt theo vùng miền, theo ý thức hệ, nhưng động lực lịch sử vẫn đưa chúng đi, dù nhanh chậm khác nhau, về một hướng tiền – hiện đại → hiện đại → hậu hiện đại.
23 – 12 – 2021
Phó giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thuý