Năm 1924, bốn học giả uy tín là Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận được ủy thác biên soạn tủ sách Việt Nam tiểu học tùng thư, trong đó có hai bộ “Quốc văn giáo khoa thư” và “Luân lý giáo khoa thư”. Hai bộ sách này đã lần đầu tiên đánh dấu sự ra đời của các sách giáo khoa biên soạn bằng chữ quốc ngữ và được đưa vào giảng dạy rộng rãi trong các trường học trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đóng góp đáng kể nhất của hai bộ sách này là nó đã góp phần thực hiện mục tiêu cải tiến phương thức và nội dung giảng dạy theo lối hiện đại, hướng tới đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam bắt nhịp được các tri thức và xu thế mới. Cuốn sách cũng được biên soạn theo thể thức mới: các bài đọc ngắn gọn, dễ hiểu, lồng ghép nội dung về luân lý, lịch sử, địa lý, vệ sinh, tự nhiên,… đi kèm với đó là các bài luyện tập và hình minh họa trực quan, sinh động.
Trải gần một thế kỷ với nhiều lần cải cách sách giáo khoa khác nhau, song những bài học trong Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư vẫn còn nguyên giá trị, được nhiều thế hệ tin dùng làm một bộ sách tham khảo trong việc giáo dục trẻ em Việt Nam.
——
Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục danh tiếng trước năm 1945.
Trong khoảng hai năm (1926-1927), nhóm tác giả đã biên soạn được bộ sách giáo khoa tương đối đầy đủ về các lĩnh vực ngôn ngữ, luân lý, toán pháp, khoa học thường thức, lịch sử, địa lý, vệ sinh,… ở cả ba lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng của bậc Tiểu học.
MỘT SỐ SÁCH TRONG TỦ VIỆT NAM TIỂU HỌC TÙNG THƯ:
– Quốc văn giáo khoa thư
– Luân lý giáo khoa thư
– Toán pháp giáo khoa thư
– Sử ký – địa dư giáo khoa thư
– Cách trí giáo khoa thư