VÕ PHIẾN – MỘT TÊN TUỔI VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM VIỆT NAM TRƯỚC 1975
Võ Phiến (1925 – 2015), tên thật là Đoàn Thế Nhơn, còn có bút hiệu Tràng Thiên. Ông là một trong những cây bút nổi tiếng miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.
Với khả năng viết đa dạng, ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, 9 tập tùy bút, một tập thơ và hàng chục tác phẩm phê bình tiểu luận, trong đó quen thuộc và có sức sống lâu bền nhất là tùy bút và tạp văn.
Tùy bút của Võ Phiến (Tràng Thiên) được học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá là “sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú đa dạng hơn”. Qua những khảo cứu công phu về áo dài, món ăn, ngôn ngữ các địa phương hay những sản vật thiên nhiên, ông thể hiện tình yêu thiết tha và nghiêm túc với những giá trị văn hóa dân tộc.
Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông cũng viết về những con người bình thường, nhưng họ sống những thảm kịch lớn và những đời sống nội tâm sôi nổi. Ông thường đi sâu vào phân tích nhân vật của mình đến tận những cảm xúc, ham muốn sâu thẳm và bản năng nhất, để tìm hiểu về nội tâm con người và đặt ra nhiều vấn đề của thời đại.
Các sáng tác của Võ Phiến (Tràng Thiên) do Nhã Nam phát hành:
– Tập tùy bút “Quê hương tôi” (2012), bao gồm tập “Đất nước quê hương” in năm 1973 và một số tùy bút khác cùng loại.
– “Thương hoài ngàn năm” (mới phát hành 2024) gồm 3 truyện không xếp thể loại, được thực hiện theo bản in của Trí Đăng năm 1971.