Ông Sáu Trí – một huyền thoại tình báo
Năm nay, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (tức Sáu Trí) đã sắp bước vào tuổi 90. Với giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt phúc hậu, ông khiến mọi người thấy gần gũi khi tiếp xúc, dù mới lần đầu được gặp. Những thăng trầm, những chiến công của một chiến sĩ hơn 50 năm chiến đấu trong ngành tình báo như in dấu trên mái tóc bạc trắng và cả khoé mắt ưu tư nhưng lúc nào cũng đọng nét cười của ông.
Ông Sáu Trí sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội Nguyễn Đình Hoè từng làm quan triều Nguyễn, bà nội là con quan đại thần. Ông nội Nguyễn Đình Hoè tham gia phong trào yêu nước, bị lộ, về Gò Công mai danh ẩn tích, mang theo cha ông là Nguyễn Văn Đồng. Tấm gương yêu nước thương nòi của người cha đã truyền sang ông Nguyễn Văn Đồng; ông cũng tham gia phong trào yêu nước, là đảng viên An nam Cộng sản Đảng, từng sang Pháp hoạt động. Năm 1930 ông trở về nước, bị Pháp bắt, tra tấn dã man, đến năm 1937 được thả và một thời gian sau đó đã hy sinh. Sự hy sinh của người bố đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn, ký ức cậu bé Khiêm lúc đó mới 15 tuổi; và cậu đi theo cách mạng như một lẽ tự nhiên.
Đến với cách mạng khi đã có bằng Thành chung, ông Sáu Trí hăng hái hoạt động trong phong trào công chức yêu nước. Không bằng lòng với những gì làm được, từ tháng 10-1945 đến năm 1946, ông vừa tham gia kháng chiến vừa tìm đường để được hoạt động nhiều hơn, mặc dù trên vai ông lúc đó là gánh nặng mẹ già, vợ, con nhỏ, các em. Tháng 1-1946, ông băng rừng ra vùng tự do (Tuy Hoà, Quảng Ngãi). Đến Quảng Ngãi, ông được trên giới thiệu ra Hà Nội và tiếp đó đi học lớp tình báo đầu tiên ở Ngân Sơn. Ông kể rằng, lúc đó, ông không thích nghề tình báo vì ước nguyện của ông là phấn đấu trở thành sĩ quan đi chiến đấu. Nhưng rồi ở lớp học tình báo đầu tiên ấy, các thầy giáo, cấp trên đã truyền đạt cho ông hiểu vị trí của công tác tình báo và những tình cảm đối với ngành. Từ ngày đó, ông gắn bó suốt đời với ngành tình báo.
Tháng 12-1946, ông trở về Nam Bộ bằng đường bí mật trong không khí sục sôi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau những ngày trèo núi băng rừng, ông được biệt phái về Quân khu 7 (chiến trường miền Đông). Ban tình báo khu 7 cũng được hình thành. Trong thời gian này, có một kỷ niệm làm ông nhớ mãi – đó là ông phải ở tù một tháng, không phải nhà tù của địch mà do người của ta bắt nhốt. Nguyên do là ông bị hiểu nhầm làm gián điệp cho địch. May thay, tấm giấy chứng nhận lúc ở miền Bắc đã giúp ông thoát hiểm.
Năm 1947, ông báo cáo tổ chức xin đưa vợ là Nguyễn Thị Minh vào chiến khu. Khi đưa vợ vào, ông phải nói dối là em gái để gửi nhờ một cơ sở. Sau đó, một đám cưới giản dị mà đầm ấm được đoàn thể cách mạng tổ chức cho hai người, mặc dù ông bà đã có con… Lần đó, khi vợ ông vừa sinh con gái được hơn 1 tháng thì gặp địch càn. Ông xúc động nhớ lại, đồng chí Mười Tùng đã một tay bế con, một tay dắt vợ ông lội bộ theo đường sông để chạy giặc. Tình cảm đồng chí đồng đội trong những ngày gian khó ấy cứ in đậm mãi trong tâm trí ông cho đến tận hôm nay. Sau trận đó, ông bà đành gửi con về Gò Công, đến năm 1954 mới đón về. Chính cô bé đỏ hỏn trong trận chống càn đáng nhớ ấy sau này từng tham gia móc nối liên lạc cho ông.
Khởi nghiệp tình báo của ông là nghề giáo viên. Nhờ có vốn kiến thức phong phú, ông lấy nghề dạy học để che mắt địch. Cuối năm 1948, đầu năm 1949, Phòng tình báo Quân khu 7 được thành lập, ông được cử làm Phó phòng phụ trách điệp báo (từ 1948, 1949, 1950, Phòng sáp nhập với Phòng Quân báo Nam Bộ do đồng chí Hoàng Minh Đạo phụ trách). Thời gian này, ông thường thay mặt Phòng Quân báo Nam Bộ báo cáo trực tiếp tình hình với đồng chí Lê Đức Anh. Đến năm 1952, ông về phụ trách Phòng quân báo đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1953, 1954, Bộ chỉ huy Sài Gòn – Chợ Lớn giao nhiệm vụ cho ông tìm cách xâm nhập hàng ngũ địch để hoạt động. Nhờ có người chị lấy chồng là Giám đốc Ty Công an, ông được nhận vào đó làm việc. Đây là vị trí vô cùng thuận lợi để ông có thể thu thập tin tức, tài liệu quan trọng của địch gửi về cho tổ chức. Anh rể có vai vế, nhiều lần gợi ý cho ông đi học để thăng quan tiến chức nhưng ông làm bộ giữ ý, chỉ xin làm thư ký văn phòng. Với chức danh này, ông được tiếp xúc với tài liệu mật. Nhiều lần ông chuyển được những tài liệu về các trận càn quét địch định tổ chức, các cuộc vây ráp cán bộ ta của Ty Công an cho đồng chí Hai Văn (Thường vụ Xứ uỷ), nhờ đó ta tránh được những tổn thất nặng nề. Cũng nhờ vị trí của mình, ông và vợ (là giao liên) đã góp phần bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Xứ uỷ; có lần đồng chí Hai Văn đã ăn ở tại nhà ông, ngay trước mũi địch. Thời gian này, ông đã có lần báo cáo tin tức cho đồng chí Ba Duẩn tại nhà đồng chí Hai Văn. Lần khác, khi bắt gặp tài liệu của Miền lọt vào tay giặc, ông đã báo cáo kịp thời để ta truy tìm kẻ phản bội.
Công việc đang trôi chảy, bỗng một hôm, vào khoảng tháng 8-1962, người anh rể (lúc này đã mất chức) gọi ông đến và cho biết: Người chỉ huy của ông tên là Năm Phận đã khai báo với địch về hoạt động của ông. Ông nhìn lại, thì thấy, thời gian qua có kẻ nào đó đã phản bội, nhiều tổ chức của ta bị địch bắt, phá vỡ, nhưng không hiểu sao ông vẫn an toàn. Thì ra Năm Phận đã quay lưng lại với cách mạng, làm tay sai cho địch. Sở dĩ, địch chưa bắt ông vì sợ sẽ lộ ra sự phản bội của Năm Phận. Bình tĩnh suy xét, ông giả vờ tới nhà Năm Phận để báo cáo việc địch định bắt ông. Năm Phận vẫn làm ra vẻ chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc này trong ông là sự giằng co quyết liệt giữa đi và ở. Đi, ông có thể thoát, nhưng còn vợ và 8 đứa con? Còn ở, chắc chắn ông sẽ rơi vào tay giặc, rồi số phận của bao nhiêu đồng chí liên quan tới ông nữa sẽ ra sao? Đang phân vân thì đã thấy địch báo động, cho lính rầm rập bủa vây các ngả, nhất là khu vực bến xe. Ông không trốn bằng xe đò, mà chạy về hướng Gò Công, vào vùng giải phóng. Cay cú, địch mở cuộc hành quân rượt theo ông, nhưng không có kết quả. Sau này, thu được tài liệu của địch, ông được biết, nếu lần đó bắt được ông, chúng giết ngay tại chỗ vì đã có lệnh. Thoát khỏi tay giặc, chưa kịp mừng vui, ông lại bị bắt, nhưng là quân giải phóng bắt vì nghi ông là Việt gian! Một đơn vị Quân giải phóng đã trói ông và giam giữ cẩn thận để khai thác. Cuối cùng, nhờ phong cách, thái độ và bằng cứ chứng minh mình là cộng sản của ông, họ đã nhận ra ông là người đồng chí. Ông được lệnh ra chiến khu, “chấm dứt giai đoạn mặc đồ nguỵ phục vụ cách mạng” (như lời ông nói).
Từ tháng 1-1963 đến tháng 8-1965, ông là Cụm trưởng cụm tình báo A20, đồng chí Bảy Vĩnh (Anh hùng LLVT nhân dân) là cụm phó, cụm bám trụ ở chiến khu Bời Lời. Nhiệm vụ của cụm là xây dựng lưới tình báo thành phố, xây dựng giao thông mật, bộ đội trinh sát…Anh em trong cụm là những chiến sĩ gan dạ, mưu trí, vừa hành động như tình báo chiến lược, vừa có khả năng chống địch càn quét. Năm 1963, cụm đã phục vụ đắc lực cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm…
Từ 1965 đến 1968, phòng tình báo Miền lập được những chiến công rực rỡ. Năm 1968, thành lập phòng tình báo Miền chuyên trách điệp báo, tình báo chiến lược; ông giữ chức phó phòng, rồi trưởng phòng. Với cương vị của mình, ông đã góp phần xây dựng một cụm tình báo hoàn chỉnh, phát triển lực lượng tình báo cũ ở miền Nam, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bên cạnh ông là những chiến sỹ tình báo chui sâu, leo cao trong hàng ngũ địch nhiều năm ròng rã, thu được những tin tức, tài liệu vô cùng quí giá phục vụ cách mạng, phục vụ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược như: tài liệu về các bước chiến lược chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Mỹ leo thang, xuống thang, tin về chiến tranh mở rộng sang CPC…Ông tâm sự: “Đảng đã cho tôi một đội ngũ các đồng chí xuất sắc, trung kiên. Tôi đã hoà nhập được với họ, tạo được những chiến công đóng góp cho ngành, cho cách mạng…”. Ông luôn đề cao những chiến công của đồng chí, đồng đội mình, của cả một tập thể anh hùng.
Tháng 3-1974, ông lại vào Sài Gòn. Ngày 19-4-1975 ông vào chiến trường nhận nhiệm vụ nắm tình hình phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 25-4, vào đến Sài Gòn, ông còn trực tiếp xây dựng một đại tá nguỵ tên Lộc nắm một đội biệt động quân, phục vụ cách mạng. Ngày 16-4, có tin cho biết: Dương Văn Minh lên Tổng thống, muốn gặp quân giải phóng bàn vấn đề thương lượng. Ông truyền đạt: “Anh về nói lại với Dương Văn Minh nên nghe theo lời Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đầu hàng vô điều kiện”.
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 30-4, tại nhà một cơ sở cách mạng (là nghị sĩ Quốc hội của ngụy), ông nghe trên Đài Phát thanh Sài Gòn lời phát biểu của Dương Văn Minh kêu gọi quân đội Sài Gòn buông súng, chấp nhận những điều kiện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Vài giờ sau, một số đồng chí mời ông vào Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của nội các Dương Văn Minh. Nhằm tránh mọi hành động đáng tiếc xảy ra khi Quân Giải phóng tiến vào tiếp quản Dinh Độc Lập. Ông cùng một số điệp viên khác đã vào Dinh Độc Lập, đến phòng của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền thì thấy có một bộ phận Quân Giải phóng đã có mặt trong Dinh. Bộ đội ta đòi bắt toàn bộ các nhân vật này làm tù binh. Sợ anh em vi phạm chính sách của Mặt trận Giải phóng, ông liền gặp và giải thích: Nội các Dương Văn Minh đã chấp thuận theo những điều kiện của ta nên vừa có thông báo đầu hàng trên Đài phát thanh. Lúc đầu, bộ đội không tin vì thấy ông mặc thường phục. Ông đành tự giới thiệu mình là Đại tá Sáu Trí, Sĩ quan Bộ Tham mưu B2 vào Sài Gòn làm công tác đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. May sao, đúng lúc đó xuất hiện một sĩ quan thuộc đơn vị thiết giáp, là người bạn học cùng khóa quân sự cấp cao với ông ở Hà Nội…
Sau đó, ông đã gặp Thiếu tướng Nguyễn Hữu An-Tư lệnh Quân đoàn 2 -và tham gia bàn việc tiếp quản Dinh Độc Lập. Các ông nhất trí nên có lời công bố chính thức của Quân Giải phóng trên đài phát thanh. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An phân công Sáu Trí soạn thảo gấp. Ông cùng với Tô Văn Cang, Ba Lễ bàn nhau và thống nhất giao cho Tô Văn Cang chấp bút bản thông báo với tựa đề “Thông báo số 1”. Viết xong, ông đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Hữu An để thông qua. Ông tế nhị từ chối không đề tên đơn vị mình và đề xuất chỉ nên đề là “Bộ tư lệnh Quân Giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định”. Ông Tô Văn Cang được phân công cùng với ông Giàu lên xe com-măng-ca chạy ra Đài phát thanh. Phải khó nhọc lắm xe của ông mới vào được trong. Ông Cang lên lầu, đọc chậm và rõ bản “Thông báo số 1”. Ông Giàu đọc lại lần hai. Sau đó dặn cứ 5 phút thì lặp lại một lần.
Bản “Thông báo số 1” của Bộ tư lệnh Quân giải phóng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định là bản tin chính thức được ta phát trên Đài phát thanh, vài giờ sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.
Trong lúc ông và Thiếu tướng Nguyễn Hữu An đang bàn công tác bảo đảm an ninh thì anh em cho biết những thành viên nội các Dương Văn Minh đang tỏ ra hoảng loạn. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An đề nghị ông nên đi gặp gỡ họ vì ông là người miền Nam, lại làm tình báo nên biết tâm lý, tình cảm của họ. Ông Sáu Trí đã mời họ ra hành lang để nói chuyện. Tướng Minh đứng trước, các thành viên đứng kế tiếp. Sáu Trí động viên họ về sự chiến thắng vĩ đại của quân, dân ta và về việc đầu hàng không điều kiện của nội các Dương Văn Minh đã góp phần giữ thành phố Sài Gòn vẫn được nguyên vẹn. Ông còn hứa sẽ bảo đảm việc an toàn tính mạng cho họ. Lúc ấy, Dương Văn Minh xin phép tạt qua phòng riêng để thăm người vợ đang lo lắng cho số phận của chồng…
Năm 1997 ông Sáu Trí mới nghỉ hưu. Quanh ông lúc nào cũng vui vầy con cháu và sự chăm sóc chu đáo của người vợ hiền những khi trái gió trở trời. Không hổ danh con nhà nòi yêu nước, nhiều người con của ông từng là bộ đội, người đã chuyển ngành, người vẫn đang trong quân ngũ. Người con gái thứ hai từng phụ trách điện đài mật của tình báo ở Sài Gòn phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968; người con trai thứ tư là sĩ quan Quân đội, tham gia tiểu đoàn trinh sát của tình báo vào giải phóng Sài Gòn; con trai thứ năm, 15 tuổi đã làm liên lạc cho tình báo; con trai thứ sáu (ông lấy tên làm bí danh của mình – Sáu Trí) từng là lính xe tăng chiến đấu ở Campuchia…Trong ngôi nhà giản dị của mình, ông dành một gian trang trọng nhất để trưng bày hình ảnh, kỷ vật truyền thống của gia đình – những hình ảnh, kỷ vật của một đời phục vụ cách mạng. (THANH XUÂN – THU HƯƠNG)