Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới
Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nội dung và hình thức, tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, vừa qua, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được Ủy ban UNESCO Chương trình Ký ức thế giới công nhận là một trong 78 Di sản tư liệu thế giới năm 2017.
Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận và ở tầm mức cao nhất.Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam và khu vực. Đây là khối tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế còn lưu giữ được tại Việt Nam và cũng là số ít tài liệu trên thế giới lưu giữ được bút tích của các hoàng đế trên văn bản.
Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World viết tắt là MOW) là một chương trình được khởi xướng bởi UNESCO từ năm 1992, với mục đích bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập tư liệu có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện và bảo tàng trên toàn thế giới. Chương trình Ký ức thế giới (MOW) được quản lý bởi một cấu trúc gồm ba cấp: Quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong đó, Ủy ban tư vấn quốc tế (International Advisory Committee viết tắt là IAC) là cơ quan cao nhất có trụ sở chính tại Paris (Pháp), chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về lập kế hoạch, thực hiện chương trình và giám sát hoạt động của các Ủy ban cấp khu vực và quốc gia. Đồng thời, Ủy ban này cũng tiếp nhận và xét duyệt các đề cử đăng ký Danh mục Di sản tư liệu thế giới. (HỒNG NHUNG)