Nội dung cuốn sách được chia thành ba phần chính, bao quát các vấn đề về lịch sử, văn hóa và di sản của Champa cũng như cộng đồng người Chăm hiện nay.
Phần thứ nhất, “Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa”, bao gồm các bài viết về lịch sử Champa nhìn từ tư liệu khảo cổ học, bia ký và thư tịch cổ. Các tác giả đã đề cập tới một số vấn đề quan trọng trong lịch sử Champa cũng như vai trò của các thành cổ Champa, sự hưng thịnh và suy vong của nagara/trung tâm chính trị qua các thời kỳ.
Phần thứ hai, Những vấn đề văn hóa và tôn giáo, bao gồm các bài viết về sự du nhập và phát triển của các tôn giáo ở Champa, các vấn đề văn hóa nổi bật của cộng đồng người Chăm hiện nay.
Phần thứ ba, Di sản và phát triển, bao gồm các bài viết thảo luận về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của văn hóa Champa bao gồm di sản vật thể (thành lũy, đền tháp cổ) và phi vật thể (lễ hội).
Ấn phẩm “Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa” là kết quả của quá trình trao đổi học thuật lâu dài, làm việc trách nhiệm và phối hợp hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu Champa trẻ của Việt Nam ở cả ba miền đất nước.
ĐÁNH GIÁ:
“Với cách tiếp cận lịch sử văn hóa, tư duy nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành, các tác giả tham gia cuốn sách dường như muốn trình bày nhiều suy nghĩ, nhận thức mới về đặc tính lịch sử và giá trị văn hóa độc đáo của vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam. Qua 22 bài viết, mà nhiều bài thực sự là những chuyên luận tâm huyết, sâu sắc, chúng ta cũng thấy tâp thể tác giả tham gia cuốn sách, gồm có nhiều thế hệ, trong nước (Lê Hồng Khánh, Đinh Đức Tiến, Nguyễn Văn Quảng, Quảng Phước Bảo Đàn, Hán Thị Thanh Loan, Bảo Yến P) và quốc tế (Suzuki Tomomi, Yamagata Mariko), đã thể hiện sự dày công trong nghiên cứu, luận giải nhiều vấn đề không hề giản đơn trong lịch sử, khảo cổ học, văn hóa Champa.” – GS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Kim