Nguyễn Gia Trí – Sáng tạo
Những đoản văn dưới dạng nhật ký mà Nguyễn Xuân Việt ghi chép lại trong cuốn sách này là những suy tư về sáng tạo, về nghệ thuật sơn mài và nhân sinh được họa sĩ Nguyễn Gia Trí trải nghiệm trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1992.
VỀ TÁC PHẨM
Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một đại thụ của mỹ thuật Việt Nam. Cũng như những nghệ sĩ – trí thức lớn cùng thời, ông đã kinh qua nhiều biến động lịch sử. Nghệ thuật tranh sơn mài của ông cũng trải qua nhiều giai đoạn, ở mỗi giai đoạn với ý thức trong chọn lựa phương pháp, ông đều để lại những tác phẩm dấu ấn, đóng góp vào di sản văn hóa Việt Nam.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước chỉ ra những đóng góp của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, quyển sách này sẽ khai thác một góc nhìn khác, mới mẻ hơn, giúp độc giả hiểu thêm về thế giới tinh thần của ông trong những năm cuối đời. Có thể xem, đây là cô đọng tư tưởng của Nguyễn Gia Trí vào chặng cuối của hành trình sáng tạo, nghiệm sinh.
Quyển sách là tập hợp những ghi chép nhỏ của Nguyễn Xuân Việt – học trò của ông – được lưu lại dưới dạng nhật ký trong khoảng thời gian ông sống và sáng tác tại Sài Gòn từ năm 1975 đến 1992. Đây là quãng thời gian ông sống trầm lặng, suy tư nhiều về sáng tạo, về nghệ thuật sơn mài và nhân sinh.
Qua việc vẽ tranh, họa sĩ Nguyễn Gia Trí trở thành đạo sĩ, bằng cách tu tập để đạt tới “vô ngã” bởi vì theo cụ, chỉ “khi mình vô ngã thì nghệ thuật mới bắt đầu”. Mà “Nghệ thuật là vô cầu, vì vô cầu, vì không vướng, nên tâm được thanh tịnh”. Cho nên “Tu là để sáng suốt hơn”. Hay có thể nói, tu là để vươn tới cái gì đó siêu việt, như cụ nói: “Nghệ thuật là vô cầu. Vì vô cầu, nên nó hướng tới cái gì đó, rất cao”.
Nhưng tu là gì? Cụ nói: “Tu đạo là đi về gốc, về đầu nguồn nước Cam Lồ mà uống, nên luôn trẻ trung tươi mát”.
Sự hướng vào bên trong trong sáng tạo của Nguyễn Gia Trí rất gần với Thiền định. Mỗi tác phẩm, theo ông, chính là một công án, một phương tiện để Thiền, sự “dụng thần vượt ngoài thân”. Người sáng tạo đặt mình vào quá trình tu tâm, đi đến cảnh giới nhẹ nhàng, như nhiên trên tác phẩm.
Nhìn phổ quát, kinh nghiệm sáng tạo của Nguyễn Gia Trí trong cuốn sách này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nghệ thuật sơn mài mà còn truyền cảm hứng và soi sáng cho người sáng tạo ở những loại hình nghệ thuật khác, những hình thái công việc khác cần đến tinh thần sáng tạo.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
VỀ NGUYỄN GIA TRÍ
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) quê ở Chương Mỹ – Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (khóa 1931-1936). Năm 1954, di cư vào miền Nam.
Được biết đến là bậc thầy về tranh sơn mài tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là cây bút biếm họa, minh họa, họa sĩ thiết kế nổi tiếng trên nhiều tờ báo, ấn phẩm từ thời Pháp thuộc kéo sang Sài Gòn giai đoạn trước 1975.
Tác phẩm sơn mài mỹ thuật của Nguyễn Gia Trí được công nhận là quốc bảo Việt Nam. Tranh Sơn mài của Nguyễn Gia Trí đến nay đang được trưng bày, bảo tồn tại Bảo tàng Mỹ thuật, Dinh Độc lập (TP.HCM), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và những bộ sưu tập lớn trên thế giới. Những tác phẩm tiêu biểu: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Đêm Giáng sinh, Ba vua, Dọc mùng, Cảnh nông thôn,… (Phanbooks)