Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập
Ngự đề đồ hội thi tập nằm trong hệ thống trước tác đồ sộ của Hoàng đế Thiệu Trị – vị vua thứ 3 của vương triều Nguyễn. Tập thơ chia làm 3 phần là Ngự đề Danh thắng đồ hội thi tập – gồm những bài thơ đề vịnh các cảnh đẹp trong cấm thành và danh lam thắng cảnh của kinh đô Huế; Ngự đề Cổ tích đồ hội thi tập – những bài thơ đề vịnh tích cổ trong lịch sử Trung Quốc thể hiện tinh thần giáo huấn hậu thế, làm tấm gương sáng cho cái học đế vương; Ngự đề Nhân vật đồ hội thi tập – gồm những bài thơ vịnh tả sự vật, các loại hoa quả, muông thú, qua đó thể hiện thâm ý đưa sự giáo hóa vào thơ, dùng thơ để đào thục tính tình, di dưỡng tinh thần. Những cảnh vật và tích truyện được đề vịnh trong tập thơ đều có tranh vẽ minh họa.
Tập thơ là sự thể hiện một cách khéo léo tư tưởng, vị thế của vị quân vương cần chính thương dân, luôn ý thức vai trò làm chủ quốc gia dẫu là trong khi ngâm vịnh. Hơn thế nữa, tập thơ còn như một dấu son điểm tô cho nền thịnh trị, mang trong đó khí tượng của một thái bình thiên tử.
Ngoài ra, Ngự đề đồ hội thi tập với đặc điểm độc đáo là sự kết hợp giữa thi và họa, cũng khiến cho tập thơ trở thành một nguồn tư liệu quý minh chứng cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao của một vương triều. Những bức tranh vẽ lại cảnh đẹp kinh đô Huế được tả vịnh trong tập thơ tuy có phần ước lệ nhưng cũng giúp cho chúng ta phần nào mường tượng ra được phong khí của một thời vàng son qua hình ảnh những điện đài lầu gác chốn đế đô mà nay phần nhiều trở thành phế tích.