“Hôm nay mẹ mất. Hay hôm qua cũng nên, tôi chẳng biết.”
29 tuổi, Albert Carnus ghi dấu bước chân đầu tiên trên văn đàn bằng hai câu văn ngắn gọn. Hào quang đến với ông ngay sau đó và cho tới giờ dường như chưa khi nào lụi tắt. Câu chuyện về Meursault, một kẻ không bao giờ tự tra vấn mình, một kẻ dửng dưng, đứng ngoài những tập tục, lề thói của xã hội, một “kẻ ngoại cuộc”, ngay từ khi ra mắt đã (và sẽ còn) làm dấy lên bao cuộc tranh luận về tính phi lý, chủ đề cái chết cùng những tranh cãi không ngừng ở các lĩnh vực từ chính trị, tâm lý học cho tới tâm thần học.
Với hơn 7 triệu bản in đã tiêu thụ chỉ riêng ở Pháp, cùng hàng trăm triệu bản in bằng hơn 60 thứ tiếng khác, Kẻ ngoại cuộc là một trong ba tác phẩm Pháp ngữ được đọc nhiều nhất trên toàn thế giới. Tác phẩm cũng đã nhiều lần được chuyển thể sang phim, kịch, truyện và là một trong những dấu ấn quan trọng giúp Albert Camus được trao giải Nobel Văn học năm 1957.
Review sách: KẺ NGOẠI CUỘC – Albert Camus
“Hôm nay mẹ mất. Hay hôm qua cũng nên, tôi chẳng biết.”
Mình bị cuốn hút bởi câu trích dẫn trên nên đã đặt mua cuốn sách và ngồi đọc liền một mạch 150 trang sách. Không hiểu sao nó khó đọc mà mình vẫn không dứt ra được …
“Tôi thì sao cũng được”, đó là thái độ sống xuyên suốt tác phẩm của “Kẻ ngoại cuộc“-Meursault- anh ta như một kẻ xa lạ, đứng bên lề xã hội mà nhìn vào chính cuộc đời mình.
Mở đầu là cái chết của người Mẹ già trong viện dưỡng lão, Meursault đối diện với sự việc mất đi người thân với một thái độ dửng dưng, vô cảm làm mình đi hết bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác. Ông không nhớ Mẹ mất hôm nào, hôm nay hay hôm qua. Ông không nhớ tuổi của mẹ. Ông đi tắm biển, đi xem phim hài với người tình sau đám tang của Mẹ. Meursault dự tang lễ của Mẹ như đi đưa tang một người dưng, không khóc thương, không một chút hối tiếc, …
Kết thúc là bản án tử hình cho Meursault khi anh ta “rơi vào tai họa” vì bắn chết một người Ả Rập sau một trận ẩu đả. Đối diện cái chết chính bản thân, thái độ anh ta cũng bàng quang không kém. Những ngày tháng ở trong tù, chịu sự chất vấn của ông luật sư, ông biện lý, ông dự thẩm … Những người đang tìm ra một lý do để bào chữa cho Meursault. Nhưng làm sao cứu vớt được một người khi chính anh ta cũng dửng dưng, lạnh lùng ngay với chính cuộc đời của mình, anh ta không đưa ra được một động cơ giết người nào, rồi biện cớ “tại nắng”. Thỉnh thoảng Meursault cũng nhớ đến Mẹ, nhưng cảm xúc đó đến rồi đi cũng rất nhanh, anh nhớ “mình đã từng hạnh phúc” …
Tác phẩm là một chuỗi dài những sự phi lý nỗi tiếp nhau, Meursault sống cuộc đời nhàm chán, không cảm xúc, không niềm tin, không mục đích. Bản án tử hình dành cho anh ta không hẳn bởi hành động sát nhân mà do chính thái độ và tư tưởng của anh ta hình thành nên. Cuốn sách còn là sự chiêm nghiệm về cái chết “Đằng nào cũng chết, thì chết bây giờ hay chết hai mươi năm nữa có khác gì?”
“Kẻ ngoại cuộc” được Albert Camus viết năm 1942, đến hôm nay nó vẫn giữ nguyên giá trị, chủ nghĩa phi lý, tư tưởng ông đã theo đuổi suốt cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình. Ngoài một nhà văn, Abert Camus còn là một triết gia, tác phẩm của ông mang đậm chất nhân sinh mà đọc một lần mình không thể hiểu hết, chắc chắn mình sẽ đọc lần hai, lần ba.
Thêm một điều đặc biệt, mình rất thích bìa cuốn sách này, chiếc bìa cứng, in hình tác giả, gam màu đen trắng, thần thái con người trong bức ảnh cũng toát lên diện mạo của một kẻ ngoại cuộc, bất cần đời … Một quyển sách rất đáng để nghiền ngẫm.