KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ TỤC BIÊN
(Trọn bộ 10 tập bìa cứng có áo khoác)
Bộ sách quý này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát hành. Trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, có sự đóng góp khá to lớn cho nên văn hiến của dân tộc. Gần 150 năm hiện diện (1802-1945), triều Nguyễn đã cho ra đời nhiều công trình lịch sử, văn hóa, địa chí, dân tộc học rất có giá trị, mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm hiểu, nghiên cứu và khai thác hết. Một trong những bộ sách đặc biệt quan trọng, góp phần cung cấp nhiều thông tin liên quan đến bình diện của lịch sử xã hội triều Nguyễn thế kỷ XIX – XX, cũng như tạo lập các cơ sở, các căn cứ khoa học bổ trợ cho công tác nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày nay chính là Khâm định Đại nam Hội điển Sự lệ (Hội điển).
So với các triều đại trước, bộ Hội điển của triều Nguyễn còn được bảo tồn và lưu trữ khá nguyên vẹn, ghi chép đầy đủ các loại công văn, sự kiện hành chính, sinh hoạt lớn từ triều vua Gia Long đến triều vua Duy Tân; đồng thời, Hội điển cũng thống kê, ghi chép khá cụ thể tất cả các công văn (chiếu chỉ, tấu sớ, phiến dụ) của triều đình thuộc Lục bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), các Phủ (phủ Tôn Nhân, phủ Nội Vụ), các viện (viện Cơ Mật, viện Tập Hiền, viện Hàn lâm, viện Thái Y), các Ty, các Tự (Thái Thường, Đại Lý, Quang Lộc tự), các Giám (Khâm thiên giám, Quốc tử giám), các Các (Nội các, Đông các). Hội điển của triều Nguyễn là bộ chính sử bằng chữ Hán, được chia thành 3 phần: Phần Chính biên (ghi chép từ 1802 đến 1851) gồm 1 quyển Thủ và 262 quyển chính. Phần Tục biên ghi chép từ 1852 đến 1889 với 61 quyển. Phần Tục biên hậu thứ, ghi chép từ 1890 (Thành Thái thứ 2) đến 1914 (năm Duy Tân thứ 8 ), gồm 55 quyển (1 quyển thủ, 1 quyển mục lục, 53 quyển chính văn), với 2619 thác bản (5.238 trang).
Ý thức rõ giá trị đặc biệt do Hội điển triều Nguyễn đem lại, từ 1965 đến nay, các chuyên gia, nhà Hán học dân tộc, tiêu biểu là Viện Sử học đã rất quan tâm và nỗ lực biên dịch, xuất bản được những ấn phẩm của Hội điển – chính biên (Viện Sử học dịch, xuất bản năm 1993, với 15 tập bản dịch) và Hội điển – tục biên (Viện Sử học và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp dịch và xuất bản 10 tập, đính kèm nguyên bản chữ Hán 61 quyển). Riêng với bộ Hội điển Tục biên hậu thứ thì chưa được dịch thuật, công bố. Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa cung đình triều Nguyễn, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế những năm qua luôn rất quan tâm đến vấn đề khảo cứu, phiên dịch nguồn tư liệu văn hiến cổ truyền, để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa triều Nguyễn.
Năm 2012, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp tác với Viện Sử học Việt Nam cho xuất bản, ra mắt toàn bộ 10 tập Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, gồm bản dịch có đính kèm nguyên bản chữ Hán. Công trình này được học giới và bạn bè khắp nơi hưởng ứng, động viên và đánh giá cao. Tiếp nối thành tựu đó, cũng như với mong muốn có thêm nhiều đóng góp cụ thể hơn cho lịch sử, văn hóa triều Nguyễn, ngày 29 tháng 06 năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế liên kết cùng Trung tâm Lưu Trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước) đã ký kết biên bản thỏa thuận về việc Phối hợp dịch thuật, xuất bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ, với sự thống nhất và đồng thuận triển khai dịch thuật 55 quyển Hội điển tục biên hậu thứ bằng Hán văn. Sau đó, sẽ tham gia biên tập, hiểu chỉnh và xuất bản bộ sách đặc trưng này. Để tiến hành có hiệu quả việc dịch thuật, xuất bản ấn phẩm trên, trong vòng 3 năm (2021-2023), hai đơn vị chúng tôi sẽ nỗ lực biên phiên dịch, chỉnh lý tiến tới hoàn thiện và cùng tìm nguồn vốn hỗ trợ dịch thuật xuất bản, để đem lại thêm một ấn phẩm quan trọng, phục vụ cho nghiên cứu và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Hi vọng rằng trong thời gian tới, công trình dịch thuật Hội điển Tục biên hậu thứ với 53 quyển bằng Hán văn, ghi chép nhiều chuyên mục của triều Nguyễn từ năm 1890 đến 1914 (bao gồm: Tôn Nhân phủ, Phụ Chính phủ, Cơ Mật viện, Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Học bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ, Nội Các, Quốc sử quán, Đô Sát viện, Quốc tử giám, Hậu Bổ trường…) sẽ đem lại nguồn tư liệu quan trọng về mọi mặt trong thể chế chính trị xã hội của triều Nguyễn đương thời. Bên cạnh đó, Hội điển Tục biên hậu thứ cũng thể hiện sự kế thừa, tiếp nối làm rõ hơn “dòng chảy” lịch sử triều Nguyễn được ghi chép từ Hội điển – chính biên, Hội điển – tục biên, đồng thời phản ánh rõ những cơ quan mới trong hệ thống chính trị văn hóa triều Nguyễn, mang đậm dấu ấn đặc trưng của thời cuộc như “Học bộ”, “Hậu Bổ trường”… có giá trị cao cho sự lan tỏa truyền thống văn hóa đặc sắc của nước ta. (TT)