Mục đích của cuốn sách này nhằm làm sáng tỏ một loạt những sự kiện chính trị quan trọng đã diễn ra ở Nam bộ trong nửa đầu thế kỷ XIX. Từ vùng đất này, các đội quân đã hành quân ra Bắc để thống nhất Việt Nam và lập nên vương triều Nguyễn (1802-1945). Tuy nhiên, năm 1833, một cuộc nổi dậy của người dân Nam bộ (thường được gọi là cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi) đã nổ ra, tuyên bố nền cai trị độc lập cho Nam bộ nhưng chỉ kéo dài được hai năm thì bị dập tắt. Các cuộc xung đột sắc tộc tiếp theo sau vụ nổi loạn càng làm vùng đất Nam bộ bị tàn phá nhiều hơn. Sau đó, vào năm 1859, người Pháp đổ bộ lên vùng đất này. Phong trào chống Pháp của người Nam bộ bắt đầu và được kích động bởi lòng trung thành mạnh mẽ đối với triều đình Huế.
Các sự kiện chính trị được đề cập trên đây bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong thái độ của người Nam bộ đối với chính quyền trung ương. Năm 1802, người Nam bộ là những anh hùng của triều đại mới – một triều đại lần đầu tiên đã thực hiện được sự hợp nhất cả ba miền của Việt Nam như ngày nay. Tuy nhiên, ba mươi năm sau, một cuộc nổi dậy chống chính quyền đã bùng phát và kết thúc với việc chính quyền trung ương siết chặt sự quản lý trên toàn khu vực. Đó là sự thay đổi đầy kịch tính về thân phận đối với người Nam bộ – chỉ trong vòng ba thập niên ngắn ngủi, họ đã chuyển từ những người chiến thắng sang những kẻ thất trận. Người Nam bộ không chỉ mất vai trò chủ động trong hoạt động chính trị ở trung ương, mà triều đình Huế còn coi vùng này như miền đất di thực vào giữa thập niên 30 của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, vào thập niên 50 của cùng thế kỷ, chúng ta lại thấy người Nam bộ chiến đấu chống sự xâm lược của thực dân Pháp và tuyên bố tuyệt đối trung thành với vua nhà Nguyễn mặc dù họ tin rằng triều đình đã bán đứng Nam bộ và bỏ mặc dân chúng trong vùng. Đây lại là một sự thay đổi cương vị khác của người Nam bộ, chuyển từ người thất bại thành những người ủng hộ chính quyền trung ương.
Tác phẩm phù hợp cho những độc giả quan tâm đến vùng đất Nam bộ và Việt Nam trong giai đoạn cầm quyền của vua Minh Mạng, những chính sách giáo dục, tôn giáo và dùng người của vị vua mạnh mẽ này.
+ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:
“Toát lên trong toàn bộ cuốn sách, ngoài nhân vật Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Choi Byung Wook đã tập trung phân tích cá tính và vai trò của vua Minh Mạng, một nhân vật lịch sử lớn đầy mâu thuẫn. Trong khi thừa nhận tầm vóc lớn lao cũng như tính cách quyết đoán mạnh mẽ đến mức chuyên chế của nhà vua, tác giả phản bác những đánh giá có phần đơn giản hóa về tính bảo thủ cực đoan của nhà vua và cho rằng Minh Mạng là con người thông minh, sắc sảo, quan tâm nghiên cứu những cái mới, những hiện tượng canh tân trong các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, nghiêm túc xem xét những ý kiến về cải cách của các triều thần. “
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ