Nhà & Người
Nxb HNV, 7/2024
Bìa mềm tay gấp
Minh họa màu
Có ký tặng của tác giả
…
Giới thiệu
Nhà & Người, chọn in gần 60 bài viết của tôi trong hơn hai chục năm qua cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Cho dù yêu thích nhưng chuyện thiết kế và trang trí nhà tôi không rành, sao mà bình bàn được những gì chả phải nghề của mình. Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà. Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác.
Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà tôi đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa và Hà Nội nơi tôi sinh ra, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người. Nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó. Nhà cửa đất cát thủy thổ nào thì sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó. Nói rộng ra thì chuyện thủy thổ cũng là chuyện đất, nước, chuyện đất nước, chuyện văn hóa, chuyện bờ cõi (văn hóa cũng chính là bờ cõi), chuyện dân tộc, chuyện đất nước Việt, chuyện người Việt.
Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.
(Lê Thiết Cương)
…
“Nghệ thuật thà sai nhưng đẹp còn hơn đúng mà…
Hà Nội không còn là Hà Nội nếu mất đi những khuyết điểm đó.
Mỗi một phố là một cái chợ, 36 phố là 36 cái chợ. Nó ồn ào náo nhiệt, xô bồ cởi mở. Đó là cái đặc thù của Hà Nội mà người ta có thể xem, nghe, ngửi, sờ thấy. Người ta được tham gia và sống trực tiếp cùng với nó. Khán giả cũng là tác giả. Chính đó là yếu tố quyến rũ rất đặc biệt của Hà Nội. Kẻ Chợ – Hà Nội là mua bán mặc cả nhưng đồng thời cũng là lễ hội, hội hè đình đám. Nó là festival vĩnh cửu không nghỉ bao giờ. Nó là buôn thúng bán mẹt, là những quang gánh kẽo kẹt, chen lấn xô đẩy, len lỏi nắng mưa, thẫn thờ vu vơ đầu đường xó chợ. Đó là những người đàn bà xe đạp, xe thồ, xộc xệch, nặng trĩu, kĩu kịt, sớm khuya nói cười, bánh trái, quà cáp, hoa quả, bốn mùa giao hưởng.
Hà Nội có cả bốn mùa thay đổi. Nghệ sĩ nào mà chẳng khao khát đổi thay.
Nhiều khi nỗi nhớ nhà của kẻ tha hương cũng chỉ giản dị là thèm một chén trà bỏng lưỡi ngồi xổm đêm khuya mùa đông vỉa hè hiu hắt. Giá như lúc đó đừng phải một mình. Hà Nội đẹp lắm. Giá như có tri âm để “nói láo” dăm ba câu thì tuyệt thú.
Kawabata bảo: “Khi tiếp xúc với cái đẹp, người ta thèm có bạn” chẳng ai ca ngợi bạn hay đến thế bao giờ.
Hà Nội có 36 phố hay nhiều hơn? Nhưng dù gì thì Hà Nội chính là một phố. Phố – Làng.”
(36 Phố – Một Hà Nội -Lê Thiết Cương)