Nguyên nhân sâu xa và lý do biện minh cho việc xâm chiếm Đại Nam của Đế quốc Pháp
– Cuộc chiến đấu chống Pháp ở Nam Kỳ (1860 – 1867)
– Công việc kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp
– Tiểu sử một số nhân vật lãnh đạo kháng chiến chống Pháp và người ứng nghĩa
– Một số châu bản triều Tự Đức về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ
Là những nội dung quan trọng được đề cập trong cuốn “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ qua Châu bản triều Nguyễn”.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc nhân tròn 160 năm ngày thực dân Pháp đánh chiếm Nam kỳ, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp phối hợp thực hiện.
Lần đầu tiên, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ và Đồng Tháp được tiếp cận ở một góc độ khác: góc nhìn từ Châu bản.
Những văn bản hành chính của triều đình được giới thiệu trong cuốn sách này sẽ gợi ra nhiều hướng nghiên cứu mới về hành trạng của một số nhân vật lịch sử bị ngộ nhận như Phan Trung là “phản quốc”, Nguyễn Công Nhàn là hùng dũng tướng mà “nhát gan”,… hoặc nhìn nhận đánh giá khách quan hơn về một số sự kiện như cuộc “nổi dậy” từ sau khi Pháp đánh Đà Nẵng là do “chính sách cai trị hà khắc của Tự Đức” hay đây là kế gián trị, đòn nội công – ngoại kích của người Pháp, thái độ của triều đình đối với các cuộc khởi nghĩa và các lãnh tụ nghĩa quân ở Nam kỳ sau Hòa ước Nhâm Tuất. Đặc biệt trong các Châu bản được công bố, nhiều văn bản có Châu phê trực tiếp của Hoàng đế Tự Đức, từ những chỉ thị mệnh lệnh này phần nào làm rõ ý chí của nhà vua trong cuộc kháng chiến mà cho đến nay lịch sử vẫn còn nhiều tranh cãi.
Khối Châu bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ cho chúng ta lời giải đáp rõ ràng hơn, như nhà Sử học Dương Trung Quốc đã nhận định: Việc khai thác Châu bản triều Nguyễn chắc chắn là một tiềm năng quý đối với việc bổ sung thêm vào nhận thức lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ và Đồng Tháp.
Trong giới hạn cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức, Ban Biên soạn lựa chọn giới thiệu 120 châu bản trong những năm 1858 đến 1882. Sách còn có phụ lục ảnh với ảnh scan một số Châu bản triều Tự Đức.
Cuốn sách dày 359 trang, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
Tác giả biên soạn
Lời giới thiệu
Một số nội dung trong cuốn sách
Trích một số trang sách
Mục lục sách