Nội dung cơ bản về sách: Nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam, đánh dấu những thay đổi lớn về nhiều mặt đời sống xã hội Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông – Tây hết sức sôi động. Những nhà giáo dục tiến bộ Pháp có khát vọng chấn hưng nghệ thuật xứ Đông Dương đã tạo ra những thay đổi căn bản bức tranh giáo dục nghệ thuật. Sản phẩm giáo dục nghệ thuật không chỉ nhằm tạo ra những người thợ phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa và còn mở ra viễn cảnh tươi sáng cho văn hóa xứ Đông Dương. Giai đoạn này cũng chứng kiến những bước chuyển mình đáng kể của giáo dục nghệ thuật thị giác Việt Nam nói chung, mà sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương (năm 2024) ở Hà Nội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói, lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam gắn liền với hoạt động của Trường Mỹ thuật Đông Dương và vai trò của Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường.
Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật là một công trình dịch thuật, khảo cứu công phu. Công trình không chỉ cung cấp những văn bản nghị định, báo cáo, tư liệu báo chí về mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX mà còn đưa ra những lời bàn, lời bình luận, phân tích một số vấn đề về mỹ thuật, nghệ thuật ứng dụng. Điều này giúp người đọc hình dung một cách hệ thống, toàn diện về mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX không chỉ với tư cách là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực đào tạo trong chương trình giáo dục ở thuộc địa.
Công trình ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 – 2024) – ngôi trường nghệ thuật danh giá bậc nhất vùng Viễn Đông. Đặt ngôi trường này trong tiến trình giáo dục nghệ thuật thị giác thời thuộc địa, khảo cứu qua hệ thống nghị định, báo cáo, tư liệu báo chí, công trình đã góp phần cung cấp cho độc giả cái nhìn cụ thể và toàn diện hơn.
Trân trọng giới thiệu bộ sách tới quý độc giả.