Cái Đẹp là gì? Nghệ thuật, thị hiếu, thời trang là gì? Liệu Cái Đẹp có phải điều gì đó có thể định nghĩa một cách lý tính, hay chẳng qua đó chỉ là một đánh giá thuần tính chủ quan? Công cuộc khám phá Cái Đẹp của Umberto Eco bắt đầu như thế đó. Với việc nghiên cứu chi tiết và cặn kẽ những tác phẩm quan trọng nhất trong văn hóa phương Tây, từ tượng Vệ Nữ Milo đến Marilyn của Andy Warhol, từ các quái thú của Jérôme Bosch đến tranh Đức Mẹ của Botticelli hay các cung tần của Manet, Umberto Eco đã dựng nên bức tranh trọn vẹn, phản ánh các gương mặt khác nhau của Cái Đẹp, tạo nên chuyến du hành đích thực suốt từ thời Hy Lạp cổ đại đến tận ngày nay.
Tác phẩm thú vị này hẳn sẽ bóp nghẹt mọi định kiến xưa cũ và qua mỗi chương lại vẽ nên một tấm bản đồ thực sự về sự dịu dàng của Cái Đẹp.
Umberto Eco sinh ngày 5 tháng Một năm 1932 tại Alessandra và mất ngày 19 tháng Hai năm 2016 tại Milano, Ý. Thiên hướng đã thôi thúc ông làm trái ý cha, từ bỏ khoa Luật, chuyển sang nghiên cứu Triết học và Văn học Trung cổ tại Đại học Turino. Trong thời gian này, Umberco Eco trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin, trở thành người vô thần và từ bỏ Giáo hội Công giáo. Năm 1954, ông bảo vệ luận văn về Thomas xứ Aquino, đạt học vị Tiến sĩ Triết học.
Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L’Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze, Turino kiêm tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta”.
Các tác phẩm của Umberto Eco do Nhà Nam xuất bản:
– Tên của đóa hồng
– Con lắc Foucault
– Nghĩa địa Praha
– Số không