Ngày nay, loại hình kiến trúc khung gỗ truyền thống Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng ngày càng khẳng định được giá trị của nó trong sự tồn tại thật chắt chiu và quý hiếm của di sản văn hóa và kiến trúc của dân tộc. Công tác nghiên cứu bảo tồn, tu bổ cũng như phục dựng các di tích thuộc loại hình này đặt ra vấn đề là phải xác định rõ các thuật ngữ kiến trúc – xây dựng truyền thống, nhất là khi chúng mang ý nghĩa về kiến trúc và nghệ thuật.
Thực tế, những thuật ngữ này, bởi chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là địa lý – văn hóa, mà chúng không được gọi tên một cách thống nhất và chuẩn chỉnh. Những sự khác biệt đôi khi làm phát sinh nhiều sự hiểu lầm, sai lệch trong công tác thi công cũng như trong công việc nghiên cứu hay thiết kế công trình.
Vì vậy, một cuốn sách tra cứu, trình bày tương đối đầy đủ về tên gọi, định nghĩa và vị trí của từng cấu kiện trong hệ thống kiến trúc nhà cổ ở Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung là vô cùng cần thiết. MaiHaBooks trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một công trình nghiên cứu công phu được chắp bút bởi KTS. Vũ Hữu Minh (đã mất) và hoàn thành bởi nhóm tác giả Nguyễn Thị Thúy Vi, Lê Vĩnh An, Nguyễn Thanh Toản và Phan Thuận Ý – “Thuật ngữ Kiến trúc Truyền thống Nhà rường Huế”.