“Truyện ngắn Tướng về hưu lần đầu được in trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 là một trong những tác phẩm tiêu biểu khẳng định nghệ thuật đỉnh cao về truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và cũng đã được chuyển thể kịch bản dựng thành phim. Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, Vanvn xin trân trọng giới thiệu lại Tướng về hưu để thưởng thức một tác phẩm giá trị và tưởng nhớ nhà văn lớn vừa ra đi….”
(https://vanvn.vn/tuong-ve-huu-truyen-ngan-nguyen-huy-thiep/ )
Nxb Trẻ tái bản 1 loạt sách văn học Việt Nam giá trị, với phiên bản đặc biệt.
Đọc Nguyễn Huy Thiệp là đến với những rung cảm về vẻ đẹp và khuyết tật nơi chính mỗi con người – phẫn nộ và xót xa, sang cả và bần tiện, thờ ơ và day dứt. Những “bài học nông thôn”, những “huyền thoại phố phường”, những tiếng “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” của lịch sử đồng vọ như những cuộc thăm dò tâm hồn thời đại ở chiều sâu của tận cùng tầm thường và tận cùng cao cả, mở ra nhiều triển vọng suy tư – gây lên thứ “chất men” mới mẻ của văn học Đổi mới mà công chúng hằng chờ đợi. Từ những truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ và cuốn sách in lấy nhan đề Tướng về hưu (Nhà xuất bản Trẻ, 1988), ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đã đánh dấu sự có mặt của mình và định hình nên “một hiện tượng văn chương” vào nửa cuối thập niên 80’ thế kỷ trước. Vàng thử lửa, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã đi được một chặng đường đủ dài, với những điều kiện thẩm định khe khắt nhất, để biến chuyển từ một hiện tượng thành một giá trị. Gần bốn thập kỷ qua, người ta vẫn tiếp tục đọc nó, thưởng thức nó, sống trong nó, và “bới tìm ở đó những mẩu vụn của con người, về con người”. Tuyển tập “Tướng về hưu & Những truyện khác” phác họa nên chân dung một cây viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại với những chặng đường sáng tác mà ông đã đi qua.