HOẠT ĐỘNG CUNG TIẾN VÀ LỆ BẦU HẬU
Tác giả: Nguyễn Văn Nguyên
Đối tượng nghiên cứu của sách này là vấn đề cung tiến, một hình thức hoạt động trong xã hội của người Việt thời cổ và trung đại. Mối quan tâm đặc biệt của học giới dành cho hoạt động này chính là bởi sự hiện diện của nó được biên chép lại bằng văn tự trên hàng vạn văn bản khắc đá của hàng nghìn tấm bia lập dựng tại những địa điểm phân bố rộng khắp các địa phương trong nước và phổ niên đại của chúng cũng dàn trải liên tục qua các giai đoạn lịch sử kéo dài hơn một nghìn năm trong quá khứ. Để khảo sát xử lí khối tư liệu thác bản đồ sộ của những văn bia này, tác giả đã kết hợp sử dụng công cụ nghiên cứu của các bộ môn sử học, văn bản học và toán học thống kê nhằm tìm hiểu sự tồn tại cũng như quá trình phát triển của hoạt động cung tiến, kể từ những hành vi ban đầu có nguồn gốc từ giáo pháp tôn giáo thời kì Bắc thuộc, tới các phương thức cung tiến khác mà sự xuất hiện của chúng là kết quả của quá trình Phật giáo hòa hợp với tín ngưỡng và phong tục dân gian, thỏa hiệp với tư tưởng Nho giáo qua các triều đại. Sau đó, sự chuyển dịch vai trò trung tâm của hoạt động cung tiến từ nhà chùa Phật giáo sang phía làng xã diễn ra trong bối cảnh lịch sử đầu thời kì Lê Trung hưng đã dẫn tới sự phát triển bùng phát của hoạt động này mà hình thành ra lệ bầu Hậu.
——
Nhà nghiên cứu NGUYỄN VĂN NGUYÊN sinh năm 1949. Tốt nghiệp khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Từng làm phiên dịch tại một cơ sở công nghiệp trước khi chuyển về làm công tác nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ 1980 cho tới khi nghỉ hưu.
Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu: Phiên dịch văn bản Hán Nôm, khảo chứng, giám định văn bản Hán Nôm, nghiên cứu văn bia Hán Nôm. Đã tham gia xuất bản nhiều sách nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có hai công trình lớn về văn khắc Hán Nôm với tư cách Đồng Chủ biên hoặc Chỉ đạo biên soạn:
– Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 2005-2009
– Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 2007-2020