“Hoa cúc dại” của Kim Ân – Cảm xúc vẫn còn nguyên
… dù những câu chuyện có thể đổi màu chút ít theo thời gian thì cảm xúc vẫn còn nguyên đấy. Ở một số truyện xuất hiện người chiến sĩ vệ quốc quân thời chống Pháp, khi là hình ảnh trực tiếp, khi gián tiếp trong hồi ức. Đó có thể chính là tác giả, cũng có khi tác giả hóa thân vào những người đồng đội của mình. Cách viết thì không theo kiểu “truyện bộ đội” ta vẫn thấy. Người viết không chấp nhận sự kể chuyện giản đơn, mà đào sâu vào nhiều tầng của số phận, lật đi lật lại vấn đề, và thường xuyên có cái nhìn độc đáo. Một người lính đi trong đêm ba mươi tết, tình cờ phải nghỉ lại trong căn nhà sàn chỉ có một cô gái. Câu chuyện rất dễ thành một kiểu ca ngợi tình quân dân thông thường, nhưng tác giả đã khéo léo biến nó thành một tình huống huyền ảo, vừa như liêu trai, vừa như một giấc mơ (Đôi mắt màu đêm). Hoa cúc dại, tập truyện ngắn của Kim Ân, Phanbook và NXB Phụ Nữ 2019. Những câu chuyện đặc biệt ấm áp và cảm động. Tác giả quan tâm nhiều đến vấn đề hai bên chiến tuyến. Một tinh thần hòa giải giữa những người từng ở hai bên giới tuyến nhưng rốt cuộc vẫn là đồng bào, là “người trong một nước”. Một linh mục nhận lời đi gặp người hấp hối xưng tội, nhưng hóa ra là một cuộc đối thoại giữa những kẻ thù cũ, giờ tha thiết mong muốn được hóa giải hận thù (Lời xưng tội lúc nửa đêm). Một tình huống nan giải, làm sao gỡ được hai bộ xương của hai người ở hai bên chiến tuyến, đến chết vẫn không chịu rời nhau (Nấm mồ). Đã ra đến nước ngoài rồi, thế mà vẫn gặp lại kẻ từng theo dõi và đưa mình vào bẫy ở quê nhà, trớ trêu là mình lại có thể phải làm thông gia với hắn (Ông thông gia). Tinh thần hóa giải hận thù cho thấy một tâm hồn đôn hậu và thông hiểu cuộc đời, thông hiểu con người. Phải là người trải qua rất nhiều biến động, nhiều mất mát, với một căn cốt hồn hậu chân thành mới có thể vượt lên trên hận thù, để khi ngoái nhìn lại thì không còn oán hận mà chỉ là sự thấu hiểu và thể tất, ngay cả với người từng gây ác cho mình. Rốt cuộc thì “linh mục và người sắp chết ngồi ôm nhau trên giường, người nọ gục vào vai người kia”. Với hai người ở hai bên chiến tuyến, người ta đã đến thắp hương cho “hai nấm mồ của hai người không hề là bạn trong cuộc đời, nhưng đã trở thành bạn thiết trong giờ lâm tử”. Và hai ông từng là kẻ thù trong thời bình ở nơi quê hương, rốt cuộc sang đến xứ người phải làm thông gia “đi bên nhau, mỗi người nhìn về một phía, mặt lạnh tanh. Giữa hai người là đứa cháu mới chập chững biết đi. Nó cười toe toét, tin cậy giao hai bàn tay bé tí cho hai ông nó dắt”.
Toàn bộ tập truyện toát lên sự thấu hiểu đó, khiến cho người đọc luôn thấy ấm áp và cảm động. Người thụ hưởng sự hòa giải ấy chính là thế hệ sau. Nhưng cũng có thể nghĩ ngợi thêm, liệu đứa bé kia có quá ngây thơ khi tin cậy giao bàn tay bé tí của nó cho một kẻ từng gây ác? Người đọc luôn ngập giữa dòng cảm xúc thành thật và lãng mạn. Đúng là lãng mạn nữa. Tác giả hầu như nhớ nhiều chuyện cũ, từ thời anh vệ quốc quân cho đến những năm đầu tiên hòa bình trên miền Bắc, sau năm 1954. Một xã hội còn đang hồn nhiên với những con người trong đó cũng đang rất hồn nhiên. Có bóng dáng một đôi ba những điều bất như ý thì những cái đó lại cũng hồn nhiên nốt. Thanh sạch và lương thiện là ấn tượng lớn từ những truyện như Hoa cúc dại, Đêm mùa xuân. Những truyện này gợi nhớ đến sự bâng khuâng man mác trong những truyện ngắn của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky, người đã làm lứa thanh niên miền Bắc thời ấy mê đắm với Tuyết, Bình minh mưa… Sự liên tưởng ấy là có thể hiểu được. Tác giả cũng tỏ ra lão luyện trong tạo dựng cốt truyện với nhiều lối rẽ và bước ngoặt, gây bất ngờ và thú vị cho người đọc. Ngôn ngữ văn chương đằm và sáng. Tinh tế trong từng chi tiết: khi linh mục bước vào căn phòng của người bệnh, chưa biết người ấy là ai, nhưng tác giả đưa ra chi tiết: “Ánh tọa đăng soi tỏ cái giường tre, trên đó một thân hình còm nhom nhô lên dưới tấm chăn dạ rách”, cái chăn dạ rách lập tức làm người đọc hiểu ra ngay: đấy là một người lính vệ quốc thời xưa. Tương tự là những chi tiết trong truyện Hoa cúc dại, ông cụ Mộc có một con chó và một con mèo, con mèo Mướp ăn được cả rau cải, và con chó Mực biết uống chè tươi. Rồi chi tiết bông cúc dại và con châu chấu voi tết bằng lá cọ giắt trên vách nứa cho cô bé, để rồi mười hai năm sau anh trở lại thấy nó vẫn còn nguyên đấy: “Nắng sớm lọt qua vách nứa chiếu vào mặt làm tôi tỉnh giấc. Mở mắt, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một con châu chấu khổng lồ đậu trên vách. Bên cạnh nó là một bông cúc dại còn đọng một hạt sương long lanh. Phải mấy giây sau tôi mới nhận ra con châu chấu năm nào tôi tết cho Tý Chuột. Thời gian đã làm mất đi màu xanh lá mạ của đọt cọ để thay vào màu vàng nhạt trong suốt”. Những trang sách này cũng thế, dù những câu chuyện có thể đổi màu chút ít theo thời gian thì cảm xúc vẫn còn nguyên đấy. (Nam Sơn)